10/02/2024 21:11
SẢN XUẤT LÚA THẮNG LỢI LỚN
Cuối năm, dù tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm 2024, nhưng nhiều nông dân vẫn không quên thăm ruộng lúa đông xuân. Thắng lợi từ những vụ lúa trước đó giúp nông dân thêm động lực, hy vọng tiếp tục được mùa bội thu. Ông Trần Văn Phong, ngụ xã Mỹ Phước (Hòn Đất) không giấu được niềm vui khi cả 3 vụ lúa năm 2023 đều thắng lớn.
“Vụ thu đông năm 2023, giá lúa tăng kỷ lục, dao động từ 8.800-9.400 đồng/kg tùy giống lúa. Tôi bán lúa tươi OM18 tại ruộng giá 9.200 đồng/kg, lợi nhuận trên 4 triệu đồng/công. Vụ lúa hè thu năm 2023 và đông xuân 2022-2023, tôi cũng trúng mùa, được giá. Canh tác lúa có lời cao, gia đình tôi đón tết sung túc hơn”, ông Phong nói.
Nông dân huyện Hòn Đất thu hoạch lúa hè thu 2023. Ảnh: THÙY TRANG
Nhận định tình hình sản xuất lúa năm 2023, nhiều cán bộ ngành nông nghiệp đánh giá diễn biến bất thường của thời tiết, mưa bão, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao đã tác động bất lợi tới sản xuất lúa.
Tuy vậy, Kiên Giang đã vượt các chỉ tiêu về sản xuất lúa năm 2023. Toàn tỉnh gieo trồng 712.856ha lúa, vượt 1,84% so kế hoạch; sản lượng 4,55 triệu tấn, vượt 3,54% so kế hoạch; năng suất 6,39 tấn/ha, vượt 1,86% so kế hoạch.
Nông dân xã Đông Hưng (An Minh) thu hoạch tôm. Ảnh: THANH DƯ
Đồng chí Nguyễn Thành Được - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành cho biết: “Sản xuất lúa năm 2023 nhìn chung đạt và vượt cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nhất là vụ đông xuân 2022-2023 năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Giá lúa được thu mua ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi”.
Với tổng diện tích gieo trồng trên 72.000ha (đạt 101,06% kế hoạch), Giang Thành thu hoạch hơn 463.400 tấn lúa (đạt 100,86% kế hoạch), năng suất 6,39 tấn/ha.
Sản xuất rau thủy canh theo hướng VietGAP tại cơ sở sản xuất rau thủy canh Thái Lan Farm, xã Giục Tượng (Châu Thành). Ảnh: ĐẶNG LINH
Góp phần tạo nên thắng lợi trong sản xuất lúa phải kể đến sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và nông dân. Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm 2023, ngành nông nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kịp thời, có phương án cụ thể cho từng vùng.
Các cơ quan chuyên môn và địa phương thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình canh tác lúa, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, sử dụng cơ cấu các giống lúa phù hợp. Nông dân duy trì sử dụng giống lúa chất lượng cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Hiện diện tích lúa sử dụng giống chất lượng cao trong tỉnh chiếm 97,1%.
VỮNG ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định…, nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ đà tăng tưởng.
Theo đánh giá Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 1,2%/năm. Nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng hơn 2,8%; lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 37,02% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Toàn ngành góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Hữu Toàn cho biết ngành tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa, xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… Qua thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bức tranh nông nghiệp của tỉnh thay đổi rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên.
Những ngày vào xuân, nhiều nông dân các huyện An Minh, Kiên Lương, TP. Hà Tiên… râm ran chuyện trúng vụ tôm dịp tết, có hộ lãi 100 triệu đồng, hộ lãi cao từ 300-500 triệu đồng. Một số nông dân cho biết vài năm gần đây nuôi tôm đạt sản lượng và năng suất cao nhờ việc cải tiến quy trình nuôi tôm.
Bỏ cách nuôi truyền thống, nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm hai giai đoạn với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, khép kín, giúp sản lượng tăng từ 10-15 lần. Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) cho biết: “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát được môi trường nước, dịch bệnh trên tôm, giảm rủi ro, thu nhập cao hơn 3-4 lần so cách nuôi truyền thống trong ao đất”.
Hiện nay phần lớn nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, sử dụng giống chất lượng, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để hạn chế rủi ro từ tác động của môi trường, thời tiết.
Câu chuyện đổi mới tư duy sản xuất được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều nông dân sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, sạ lúa nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi heo và gà an toàn sinh học, góp phần tăng sản lượng thịt, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra…
Nông dân là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Việc nông dân thay đổi tư duy sản xuất sẽ là thuận lợi cho tỉnh tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Năm 2023, tỉnh tổ chức sản xuất 1.334 cánh đồng lớn với diện tích 167.225,69ha, tăng 641 cánh đồng và tăng 57.893,69ha so năm 2022; trong đó có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích 120.696,58ha. |
TÚ LY
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: