16/11/2021 09:58
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều lao động trong tỉnh bị mất việc, nghỉ việc tạm thời. Nhiều lao động của tỉnh làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương gây áp lực về vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội của tỉnh. Theo số liệu thống kê đầu năm 2021, số lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên 100.000 lao động. 9 tháng đầu năm 2021 (đặc biệt từ tháng 7-9), tỉnh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và khoảng 80.000 lao động tạm ngừng việc hoặc mất việc.
Đến nay, tỉnh thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất, kinh doanh trở lại, hơn 50% số lao động bị tạm ngừng việc trở lại doanh nghiệp làm việc. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp hoạt động khoảng 50-70% công suất so năm 2020.
Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Bên cạnh đó, từ ngày 1-10 đến 31-10 có 71.000 người về địa phương từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó người lao động trên 30.000 người. Đến nay, số lao động thất nghiệp, chưa trở lại làm việc chiếm tỷ lệ cao, ước gần 6,9% so lực lượng lao động của tỉnh, tương đương trên 63.800 người, trong đó có khoảng 8.500 lao động có nhu cầu được giới thiệu việc làm trong tỉnh, hơn 2.000 lao động có nhu cầu học nghề.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra về giải quyết việc làm là phải tạo điều kiện nhanh nhất, tốt nhất để kết nối người lao động với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tăng cường khảo sát và khai thác thị trường lao động, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; tích cực mở rộng mối quan hệ với các ngành, địa phương, công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương”.
Sau thời gian gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp thu hút 7 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Chị Nguyễn Tuyết Trinh - Trưởng Phòng nhân sự Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cho biết: “Nhờ kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công ty tham gia phiên giao dịch với mục đích góp phần giải quyết lao động thất nghiệp trở về địa phương, tuyển dụng lao động để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất của công ty. Từ nay đến cuối năm 2021, công ty dự kiến tuyển dụng 2.000 lao động, đồng thời có lộ trình mở rộng hoạt động sản xuất cho năm tiếp theo và cần tuyển dụng thêm ngành, nghề khác”.
Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, được kết nối trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận đợt 1-2021.
Tham gia phiên giao dịch việc làm, các công ty, doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp người lao động tùy theo vị trí việc làm và nhu cầu với nhiều ngành, nghề; qua đó có gần 70 lao động trúng tuyển được nhận vào làm việc. Là công nhân trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chị Bùi Ái Trinh, ngụ thị trấn Minh Lương (Châu Thành) tham gia phiên giao dịch việc làm và tìm được công việc phù hợp. “Lúc trước tôi làm công nhân trong công ty giày da tại Bình Dương, dịch bệnh bùng phát tôi thất nghiệp và về quê. Tham gia phiên giao dịch được biết Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang cũng chuyên về sản xuất giày da, tôi xin vào công ty làm và được tuyển dụng đợi ngày đi làm, tôi vui vì trong lúc khó khăn tôi tìm được công việc ổn định tại địa phương”, chị Trinh chia sẻ.
Những tháng cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của phiên giao dịch việc làm ở các huyện, thành phố, đặc biệt nâng cao chất lượng cung ứng lao động nhằm giảm thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tỉnh kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động trở lại để hỗ trợ người lao động trở lại làm việc; tổ chức đào tạo, đào tạo lại 2.000 lao động ngoài tỉnh trở về có nhu cầu đào tạo nghề; tăng cường đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... gắn với chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Chiều 13-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tiên (Kiên Giang) tổ chức tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tại lễ phát động, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tôn giáo trên địa bàn TP. Hà Tiên đóng góp trên 82,6 triệu đồng.
Tổng số lượt truy cập: