28/06/2021 17:06
Chiều 24-6, đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020) và chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Đức Chín - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì (ảnh).
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo cải cải cách hành chính của Chính phủ, chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A đạt chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng; nhóm B đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố; nhóm C đạt chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Với chỉ số cải cách hành chính 91,04%, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi “quán quân”. Kiên Giang có chỉ số cải cách hành chính 77,91%, xếp hạng 61/63 tỉnh, thành phố.
Phân tích kết quả xếp loại chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ cơ quan ngang bộ cho thấy, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so năm 2019. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng này với chỉ số 95,88%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng cuối bảng với chỉ số đạt được 83,24%.
Kết quả chỉ số SIPAS 2020 cũng được công bố tại hội nghị. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số SIPAS đạt được là 95,76%, đứng thứ hai và ba lần lượt là Hải Phòng và Bắc Giang. SIPAS 2020 của Kiên Giang đạt 79,72%, xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố và đứng thấp nhất so các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
SIPAS 2020 tiến hành điều tra xã hội học trên 16 lĩnh vực dịch vụ công cung ứng ở cấp tỉnh, huyện, xã liên quan việc cấp giấy chứng nhận/giấy phép/xác nhận về: Quyền sử dụng đất, môi trường, lái xe, vận tải, xây dựng, quy hoạch xây dựng, văn hóa cơ sở, thể dục/thể thao, trồng trọt/bảo vệ thực vật, chăn nuôi/ thú y, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý nhà nước, kinh doanh, tư pháp, lao động, thương binh và xã hội.
Để nâng cao chỉ số cải cách hành chính và SIPAS thời gian tới, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. “Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức…
Tin và ảnh: MINH KHANG
(KGO) - Nhằm đảm bảo nước sinh hoạt và bảo vệ sản xuất của nhân dân trong mùa khô 2024-2025, tỉnh Kiên Giang đã lên phương án phòng, chống hạn mặn.
Tổng số lượt truy cập: