13/03/2024 14:51
Chốt 32 là một trong 7 chốt canh của khu rừng tràm rộng 728,8ha, thuộc ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Khu rừng khoảng 20 năm tuổi này thuộc quyền quản lý của Trung đoàn 30, Sư đoàn 4 (Quân khu 9). Chốt 32 nằm ở vị trí trung tâm rừng, được ví như điểm giao hai đường chéo của hình vuông thửa rừng.
Từ vị trí cơ quan Trung đoàn 30 (Giang Thành), chúng tôi băng đoạn đường rừng khoảng 5km thì tới điểm chốt 32. Tại đây, lực lượng bộ đội của Trung đoàn 30 túc trực 24/24 giờ để quản lý, bảo vệ và thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng.
- Các đồng chí cơ động vào vị trí tuần tra rừng!
Sau hiệu lệnh của Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân - Đại đội trưởng Đại đội Cối 100, Trung đoàn 30, đoàn cán bộ, chiến sĩ trực chốt 32 thực hiện công tác tuần tra băng rừng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, được Trung đoàn 30 thực hiện nghiêm kể từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay. Cùng thời điểm đó, một nhóm cán bộ, chiến sĩ vào khu vực rừng thực hiện phát quang, dọn thực bì khô nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh cháy.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 30 (Sư đoàn 4) dọn thực bì khô, hạn chế nguy cơ cháy rừng tại khu vực gần chốt 32.
Chiều muộn, cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 30 dùng vội bữa cơm tại khu vực nhà trực canh rừng. Sau đó, phân tán lực lượng, có nhóm thực hiện việc tuần tra đêm trên một số tuyến đường xẻ dọc vào lõi rừng.
Cán bộ, chiến sĩ trực chốt 32 dùng cơm chiều tại khu nhà canh rừng.
Thiếu tá Lữ Văn Tùng - Đại đội trưởng Đại đội 12 ly 7 (Trung đoàn 30) thực hiện nhiệm vụ quan sát tình trạng rừng trong đêm tại đỉnh chốt 32, cao độ trên 30m. Trước đó vài giờ, nhiệm vụ canh chốt do Đại úy Hoàng Hiệp Nam Trung - nhân viên Ban Tham mưu Trung đoàn 30 đảm nhiệm.
“Chúng tôi trực canh 24/24 giờ tại chốt 32, theo cách ban ngày canh khói, đêm tối canh lửa. Việc quan sát ở chốt cao, có vị trí trung tâm giúp chúng tôi nhanh chóng phát hiện tình huống, sự cố, kịp thời báo cáo về lãnh đạo Trung đoàn 30 để xử lý. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, phòng, chống cháy rừng”, Thiếu tá Lữ Văn Tùng nhấn mạnh.
Thiếu tá Lữ Văn Tùng - Đại đội trưởng Đại đội 12 ly 7 (Trung đoàn 30) trực chốt canh rừng trong đêm tối.
Ngoài công tác tuần tra canh rừng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 30 chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khoảng 100 hộ dân làm nông nghiệp ở khu vực ven rừng tràm. Toàn đơn vị được trang bị 5 máy phao, 193 cuộn dây ống để kịp thời xử lý tình huống khi cháy rừng.
“Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, khu vực rừng do Trung đoàn 30 quản lý ở huyện Giang Thành chưa xảy ra cháy. Sắp tới, chúng tôi tăng cường trực canh, xác định bảo vệ, phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ rất quan trọng. Người dân không nên vào rừng để bắt ong, bắt cá trong thời điểm này vì rừng quá khô hạn, rất dễ xảy ra cháy nếu mọi người bất cẩn”, Trung tá Trương Văn Tấn - Phó trung đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 30, nhấn mạnh.
Trung tá Trương Văn Tấn - Phó trung đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 30 (đứng) báo cáo phương án phòng, chống cháy rừng với Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Kiên Giang.
Theo Trung tá Trương Văn Tấn, nhiều khu vực rừng thuộc Trung đoàn 30 quản lý ở huyện Giang Thành được thông báo có nguy cơ cháy cấp V. Thời gian tới, đơn vị bố trí cán bộ, chiến sĩ canh rừng nghiêm ngặt, đồng thời bố trí thêm nhân lực, trang thiết bị để chủ động phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, đơn vị quản lý rừng tiếp tục chú trọng việc xẻ kênh, đào hố dự trữ nước, dẫn nước vào các khu vực trọng yếu, dễ phát sinh cháy rừng.
Huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có 3.189,21ha rừng sản xuất, là một trong những địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn nhất trong tỉnh. Các đơn vị hiện được giao quản lý rừng sản xuất ở huyện Hòn Đất gồm: Ban Quản lý rừng Kiên Giang, Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, Nông - Lâm trường Hòn Đất, Lâm trường 422, Sư đoàn 4 (Quân khu 9).
Một khu rừng sản xuất trên địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Theo ông Bùi Thanh Liêm - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hòn Đất, các khu vực rừng sản xuất của huyện có nguy cơ cháy cao hơn những khu vực rừng phòng hộ ven biển, do ở khu vực rừng sản xuất, tình trạng khô hạn ảnh hưởng sâu, người dân thường xuyên ra, vào rừng để bắt ong, cá… nên dễ phát sinh cháy rừng. Mùa khô các năm trước, tình trạng cháy rừng sản xuất diễn biến khá phức tạp, làm hao hụt đáng tiếc một lượng lớn diện tích rừng của địa phương.
Cảnh khai thác tràm tại một khu rừng sản xuất ở huyện Hòn Đất, do Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang quản lý.
Mùa khô năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện Hòn Đất chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống cháy rừng chủ động và toàn diện hơn. Trên tinh thần đó, Hạt đã phối hợp đơn vị quản lý rừng và các lực lượng liên quan, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ, phòng, chống cháy rừng cho người dân trong lâm phần.
Ngoài ra, việc trang bị phương tiện chữa cháy, công tác hiệp đồng giữa các lực lượng bảo vệ, phòng, chống cháy rừng được thực hiện rất nghiêm túc. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, rừng sản xuất ở huyện Hòn Đất chưa phát sinh cháy.
Nhân viên Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang túc trực trên tháp canh rừng ở huyện Hòn Đất.
Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang quản lý 1.081ha rừng sản xuất trên địa bàn huyện Hòn Đất. Đây là đơn vị quản lý diện tích rừng sản xuất lớn nhất của huyện.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, công ty chú trọng bố trí hàng chục chốt canh trong khu vực rừng. Trang thiết bị, máy móc phòng, chống cháy rừng được chú trọng đầu tư, đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản để ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
Nhân viên Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang bàn phương án phòng, chống cháy rừng.
Chốt kênh Năm Thời Thép thuộc địa bàn rừng sản xuất của Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, thuộc ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn (Hòn Đất). Chốt canh giữa rừng sâu, sóng điện thoại yếu, không có sóng 3G, việc liên lạc để phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Tại đây, bộ đàm là công cụ liên lạc hiệu quả hơn cả điện thoại thông minh.
Trưởng chốt Năm Thời Thép Nguyễn Văn Tèo quan sát, báo cáo tình trạng rừng.
“Cố gắng khắc phục hạn chế, anh em chúng tôi túc trực 24/24 giờ. Là địa bàn xa xôi, chúng tôi xác định chốt canh là nhà. Nhiều anh em trực hơn chục ngày mới được về thăm gia đình. Đang vào cao điểm mùa khô, chúng tôi được lãnh đạo công ty quán triệt phải chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng là chính, không để cháy rừng xảy ra”, ông Nguyễn Văn Tèo - Trưởng chốt Năm Thời Thép, cho biết.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ rừng năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra chiều 11-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Các đơn vị, tập thể, cá nhân tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 82.652ha rừng. Trong đó, rừng đặc dụng 39.808ha, rừng phòng hộ 31.457ha và rừng sản xuất 11.387ha. Diện tích rừng hiện có được duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng trong tỉnh năm 2023 đạt 11,78%. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 9/15 huyện, thành phố trong tỉnh đã được giao cho các đơn vị quản lý gồm: Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Ban Quản lý rừng Kiên Giang, Ban Quản lý Dự án lâm trường 442 và các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Kiên Giang kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Hòn Đất.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang Đoàn Văn Thanh đánh giá, đây là thời điểm nhiều khu rừng trong tỉnh đang chuyển từ mức độ cảnh báo cháy cấp thấp sang cấp cao.
Các khu rừng ở Phú Quốc, Giang Thành đã có mức cảnh báo cháy cấp V. Đây được xem là thời điểm trước “giờ G”, tức trước khi đỉnh điểm mùa khô hạn năm 2024 bắt đầu trong ít ngày sắp tới.
Tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh; thành lập ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp huyện, thành phố; thành lập ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã. Tỉnh đã kiện toàn 205 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, có 1.862 thành viên.
Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, tỉnh huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Các lực lượng này chính là nguồn nhân lực chủ yếu, đồng hành cùng quần chúng nhân dân đảm nhiệm trọng trách bảo vệ, phòng, chống cháy rừng trong phạm vi toàn tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang Đoàn Văn Thanh (bìa phải) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Hòn Đất.
Toàn tỉnh Kiên Giang đã bố trí 81 trạm, chốt, láng trại, với 470 lực lượng, 71 máy bơm phao, 3.500 cuộn vòi; 68 máy và 143 cuộn dây bơm áp lực, 89 máy đeo vai, 45 máy thổi gió, 88 vỏ máy vận chuyển… túc trực tại các vùng rừng trọng điểm theo phương châm 4 tại chỗ.
Các đơn vị quản lý rừng chủ động cày, ủi đường băng cản lửa cho 623ha rừng; đắp và gia cố 48 đập giữ nước, 6 cống điều tiết nước, nạo vét giếng khơi trữ nước; bố trí 56 bồn, bể trữ nước (từ 2-12m3 nước/bồn, bể) tại các khu vực trọng yếu có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Các lực lượng đã tổ chức phát quang, dọn thực bì trên 76km kênh, 58km đường tuần tra, 30 tuyến rừng với chiều dài trên 24km; nạo vét 5 hố chứa nước trong rừng (150m3 nước/hố)…
Đầu mùa khô năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm trong tỉnh Kiên Giang phối hợp các đơn vị, lực lượng liên quan tổ chức 382 cuộc tuần tra trên 1.000 lượt người tham gia. Ngoài tuần tra, các lực lượng kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân sống ven rừng thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.
Nhân viên Vườn quốc gia U Minh Thượng tuần tra trong khu vực rừng quản lý.
Huyện U Minh Thượng và TP. Phú Quốc (Kiên Giang) là hai địa phương có diện tích rừng lớn nhất trong tỉnh. Vườn Quốc gia U Minh Thượng quản lý 8.509ha rừng; Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý 36.262ha rừng, trong đó hiện có hơn 6.773ha rừng dự báo cháy cấp V.
Nhân viên Vườn Quốc gia Phú Quốc duy trì trực canh, tuần tra bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.
Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết, để chủ động ứng phó, đơn vị đã lập nhiều lán trại, tăng cường trang thiết bị, bố trí nhân lực túc trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng trọng yếu, có nguy cơ cháy cao, nhất là các khu rừng thuộc xã Bãi Thơm (TP. Phú Quốc).
Ngoài đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng ở Phú Quốc thường xuyên xây dựng kịch bản để xử lý sự cố cháy rừng, luôn trong trạng thái sẵn sằng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Thượng diễn tập phương án chữa cháy rừng.
Còn tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, phần lớn mực nước tại các khu vực rừng vẫn ở mức khá, tình trạng khô hạn chưa diễn biến phức tạp như nhiều địa bàn khác.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn tăng cường kiểm tra, quan sát, trang bị nhiều máy móc chuyên dụng để chủ động phòng, chống cháy rừng”, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng Nguyễn Văn Cường cho biết.
HOÀNG GIÁM - THANH DƯ
Đồ họa: HOÀNG GIÁM
(KGO) - Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang định kỳ tháng 12-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo và nhắc nhở các sở, ngành, địa phương không được tự mãn mà phải tiếp tục xem công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục.
Tổng số lượt truy cập: