30/08/2023 14:22
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (KITRA), năm 2022 chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố với 62,24 điểm, tăng 2,51 điểm và tăng 4 bậc xếp hạng so năm 2021. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Kiên Giang tăng bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước, tuy nhiên thứ hạng cải thiện chưa nhiều.
Trong 10 chỉ số thành phần, tỉnh Kiên Giang có 3 chỉ số tăng điểm so năm 2021 là gia nhập thị trường, tính minh bạch và thiết chế pháp lý; 7 chỉ số thành phần gồm tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động giảm điểm.
Phân tích nguyên nhân giảm điểm, theo đồng chí Quảng Xuân Lụa - Giám đốc KITRA, có yếu tố khách quan như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh chưa bảo đảm nhu cầu lưu thông hàng hóa, năng lượng, logistics… Về chủ quan, một số sở, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, chậm phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách của các tổ chức chính trị - xã hội chậm…
Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức khi tiếp nhận và cho ý kiến đối với phiếu khảo sát về PCI nên chưa phản ánh đúng với môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiện có của tỉnh…
Định kỳ hàng năm, Kiên Giang tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong ảnh: UBND tỉnh Kiên Giang gặp gỡ và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, vào tháng 3-2023.
Để cải thiện chỉ số thành phần và nâng cao PCI 2023, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nâng cao PCI; trong đó tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề về cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hướng tới mục tiêu trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh được xếp hạng cao của cả nước trong giai đoạn đến năm 2025.
Kiên Giang phát huy vai trò năng động, tiên phong của người đứng đầu các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; duy trì gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Triển khai, quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu sâu và hiểu rõ nội dung chi tiết của từng chỉ số thành phần để tham mưu, xây dựng kế hoạch của ngành và địa phương liên quan đến các chỉ số thành phần, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tiễn.
Các sở, ban, ngành và địa phương chủ động công bố, đăng tải văn bản, tài liệu pháp lý về quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp…
Kiên Giang tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang và bộ phận một cửa các cấp, hạn chế tối đa hồ sơ trễ hạn; bố trí đảm bảo nguồn nhân lực và trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp của hiệp hội doanh nghiệp; phối hợp tuyên truyền về PCI để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát…
Theo UBND tỉnh, Kiên Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; kịp thời nắm bắt, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đến năm 2025 gồm hỗ trợ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Kiên Giang thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kịp thời hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giải quyết vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; hàng năm tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn...
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Sáng 12-10, Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang; lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương và đông đảo nhân dân đã dự lễ dâng hương kỷ niệm 64 năm ngày hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương (12/10/1960 - 12/10/2024) gắn với kỷ niệm 61 năm chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc (27/10/1963 - 27/10/2024).
Tổng số lượt truy cập: