25/04/2025 15:01
* Tựa do tòa soạn đặt
Trong không khí hào hùng, trọn vẹn niềm vui của những ngày tháng tư lịch sử, cùng với cả nước, hôm nay, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang, tôi trân trọng gửi đến đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí và quý đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mạnh khỏe và hạnh phúc!
Tại buổi lễ trọng thể này, chúng ta tưởng nhớ và vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng bộ, dân và quân tỉnh Kiên Giang nguyện đoàn kết một lòng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
Cũng trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải trình bày diễn văn kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TÂY HỒ.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu!
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nhân dân ta hưởng nền hòa bình chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thay thực dân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Nhân dân Việt Nam thiết tha hòa bình nhưng kẻ thù buộc nhân dân ta phải cầm súng. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu!
Tại tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), thi hành Hiệp định Genève, ta giao vùng, chuyển quân tập kết ra Bắc. U Minh Thượng - vùng đất giàu truyền thống cách mạng của tỉnh ta - thuộc khu vực tập kết 200 ngày. Trong không khí bịn rịn chia tay, tinh thần “đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang” đã lan tỏa, với niềm tin Bắc - Nam sẽ sớm sum họp một nhà trong độc lập, tự do.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng thay chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Chúng trắng trợn vi phạm hiệp định, đàn áp các phong trào cách mạng, khủng bố, bắt bớ, giết hại cán bộ, chiến sĩ kháng chiến cũ và nhân dân yêu nước. Đặc khu An Phước trở thành “địa ngục trần gian” gây bao đau thương cho nhân dân trong tỉnh.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Rạch Giá đã kịp thời lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ quyền dân sinh, dân chủ; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện chủ trương diệt ác, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, tiến hành các trận đánh tiêu biểu như trận Cây Bàng (1956) và trận Xẻo Rô (30-10-1959) - diệt chi khu đầu tiên ở miền Tây Nam bộ. Những chiến công ấy đã phá vỡ thế kềm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, hòa nhịp cùng phong trào cách mạng toàn miền Nam, góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ.
Bước vào cao trào Đồng Khởi năm 1960, vùng giải phóng trong tỉnh được hình thành và mở rộng, trở thành căn cứ vững chắc. Địch đẩy mạnh lập “ấp chiến lược”, “ấp tân sinh” hòng chia rẽ quần chúng với cách mạng. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, đập tan các âm mưu của địch. Thắng lợi nổi bật là giải phóng quận Hiếu Lễ (Thứ Mười Một) vào tháng 1-1965, góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Trong thời gian này, địch vẫn ráo riết đánh phá vùng giải phóng. Đảng bộ đã phát huy “ba mũi giáp công”, giữ vững thế trận, bảo vệ tuyến đường 1C vận chuyển người và vũ khí từ Trung ương về chi viện cho chiến trường miền Tây Nam bộ được an toàn, thông suốt.
Xuân Mậu Thân 1968, thực hiện mệnh lệnh tổng tấn công và nổi dậy của Trung ương Đảng, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh dồn sức tấn công vào tận sào huyệt của địch ở khắp thị xã, huyện lỵ và thị trấn trong tỉnh; giáng một đòn bất ngờ, góp phần cùng toàn miền Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chúng.
Đại biểu dự lễ chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TÂY HỒ
Tuy nhiên, với tiềm lực dồi dào, địch nhanh chóng hồi phục, ra sức thực hiện chính sách bình định, mà ở miền Tây Nam bộ, Kiên Giang là một trọng điểm. Trên bộ, trên biển và trên không, chúng dồn bom đạn và chất độc hóa học rải xuống xóm làng, trong vùng giải phóng và cả ven thành thị, kết hợp với sử dụng chiến tranh tâm lý, gây cho đảng bộ, quân dân ta nhiều thiệt hại và khó khăn. Song, với truyền thống yêu nước và ý chí bất khuất, kiên cường lại được sự chỉ đạo tại chỗ của Khu ủy và Quân khu ủy, Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực đánh địch bình định (1969-1972) lập nên những kỳ tích mới với những trận như Hòn Đất, Mo So, Thứ Mười Một... góp phần cùng cả nước làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Mỹ cút, nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Với tinh thần tiến công cách mạng, phát huy thắng lợi đã giành được, được sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy và Tỉnh ủy, quân dân trong tỉnh chắc tay súng, với tinh thần cách mạng liên tục tấn công địch bằng cả “hai chân, ba mũi” làm cho chúng ngày càng suy yếu. Những thắng lợi liên tiếp trong 2 năm 1973, 1974 của nhân dân trong tỉnh đã góp phần cùng toàn khu củng cố thành quả cách mạng, phát triển thực lực cách mạng về nhiều mặt một cách nhanh chóng. Mùa xuân 1975 lịch sử, hưởng ứng lệnh tổng tiến công, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh vùng lên mạnh mẽ với tinh thần chủ động, tự lực, tốc chiến tốc thắng, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Kiên Giang - từ đất liền đến hải đảo trong ngày 30-4-1975.
Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, Đảng bộ, quân dân trong tỉnh chưa được hưởng ngày vui trọn vẹn sau bao năm chiến tranh thì kẻ thù xâm chiếm biên giới Tây Nam. Với ý thức độc lập mạnh mẽ, nhạy bén, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh tiếp tục dồn sức chiến đấu, tiêu diệt bọn diệt chủng làm thất bại âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Để có được hòa bình độc lập, tự do, cuộc sống yên bình hôm nay, nhân dân ta nói chung, nhân dân Kiên Giang nói riêng phải trải qua sự hy sinh, mất mát, đau thương lớn lao. Dù chiến tranh đã qua 50 năm, nhưng nỗi đau thương vẫn còn đè nặng trong lòng biết bao người mẹ, người vợ, biết bao gia đình có người thân nằm xuống cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Kiên Giang có trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 100.0000 đồng bào đã vĩnh viễn nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hàng chục ngàn thương binh, bệnh binh, có 2.243 người nhiễm chất độc da cam, hơn 5.000 người thân của người nhiễm chất độc da cam cũng bị phơi nhiễm chất độc này. Đặc biệt, kẻ thù đã xây dựng ở Phú Quốc một trại giam lớn ở miền Nam, có lúc giam cầm, tra tấn dã man trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ, thủ tiêu hơn 5.000 người, trong đó có hơn 4.000 người chưa tìm được hài cốt.
Với trang sử vẻ vang, oanh liệt đó, Kiên Giang có 57 tập thể, 28 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 461 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 22.000 tập thể và cá nhân được tặng thưởng 38.000 huân chương, huy chương các loại; có hơn 30.000 gia đình có công với cách mạng. Đó là những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời truyền thống kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, dân và quân Kiên Giang anh hùng.
Chiến thắng 30-4-1975 là trang sử hào hùng, một mốc sơn chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiết mục văn nghệ chào mừng tại buổi lễ. Ảnh: TÂY HỒ
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu!
Sau ngày miền Nam giải phóng, tỉnh Kiên Giang có điểm xuất phát rất thấp trên các mặt: Kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ nghèo đói cao, lại phải trực tiếp tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam... làm cho tỉnh vốn nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn. Với truyền thống anh dũng quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, sau 50 năm giải phóng, Kiên Giang đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có quy mô kinh tế tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng; sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước; sản lượng thủy sản hơn 800 ngàn tấn, tăng hơn 4,5 lần so những năm đầu giải phóng; từ một tỉnh thuần nông, đến nay tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 38%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 20%; đặc biệt dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút hơn 9,8 triệu lượt khách trong năm qua, trong đó gần 1 triệu lượt khách quốc tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn và đô thị có chuyển biến tích cực, có 8/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa chiếm trên 36%, trong đó có 2 đô thị loại I (TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc), 1 đô thị loại III (TP. Hà Tiên); tỉnh có 2 sân bay; 12 cảng biển và cảng thủy nội địa; gần 350km quốc lộ, hơn 860km tỉnh lộ, 100% tuyến giao thông nông thôn được kiên cố hóa; 100% hộ sử dụng điện; thông tin, liên lạc thông suốt.
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân sau 50 năm đã có sự thay đổi rõ rệt; từ thành thị đến nông thôn, các phong trào văn hóa, lối sống văn minh phát triển mạnh mẽ; số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, nếu như năm 1976 hộ nghèo chiếm trên 50%, nay còn 0,99%; mạng lưới giáo dục, y tế phát triển đồng bộ, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 58% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 73,5%.
Tỉnh đặc biệt quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách đền đơn đáp nghĩa đối với người có công, hiện nay có trên 8.340 đối tượng hưởng trợ cấp, với số tiền trên 23 tỷ đồng/tháng. Xây dựng nhiều công trình lịch sử, văn hóa để tri ân, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ ông cha như tượng đài Bác Hồ tại TP. Phú Quốc, Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận; Đền thờ anh hùng, liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành; Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và người có công tỉnh tại TP. Rạch Giá. Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa và phát huy hơn nữa lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, Ban Chỉ đạo 515 đã lãnh đạo Đội K92 khẩn trương thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tỉnh và 4 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; tính từ năm 2001 đến nay, đã tìm kiếm, quy tập được 2.144 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đưa về nước và 1.043 hài cốt liệt sĩ trong tỉnh đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ, để xoa dịu bớt nỗi đau của gia đình, người thân các anh hùng, liệt sĩ.
Thực hiện phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025 theo chủ trương của Trung ương, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và quyết định phấn đấu hoàn thành chương trình để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua gần một năm thực hiện, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, cùng sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong toàn tỉnh, đến nay tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 3.618 căn nhà, với tổng trị giá gần 213 tỷ đồng. Đây là món quà hết sức ý nghĩa, là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và là tấm lòng của các ngành, lực lượng vũ trang, các mạnh thường quân trao cho bà con nhân dân khó khăn về nhà ở nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Về quốc phòng, an ninh của tỉnh luôn được giữ vững và tăng cường, vùng biển và biên giới Tây Nam của Tổ quốc được củng cố vững chắc hơn. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, tỉnh ký kết thỏa thuận quốc tế với 12 địa phương của 6 quốc gia; hợp tác, hoạt động thương mại với 50 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt là, tỉnh duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh, thành giáp biên thuộc Campuchia.
Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền từng bước được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả thiết thực. Đảng bộ Kiên Giang luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, công tác xây dựng Đảng là then chốt. Từ gần 3.000 đảng viên năm 1976, đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 20 đảng bộ trực thuộc với 771 tổ chức cơ sở đảng và 64.364 đảng viên. Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trên 95%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên gần 90%.
Tự hào về Đại thắng mùa xuân 1975 và những thành tựu đạt được 50 năm qua, Đảng bộ Kiên Giang cũng thấy rằng so với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì những kết quả đạt được chưa như mong muốn. (1) Kinh tế phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. (2) Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. (3) Đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng, hài hòa. (4) Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. (5) Tình hình an ninh trên biên giới, vùng biển, an ninh nông thôn, tội phạm, tệ nạn xã hội, khiếu kiện trong dân từng lúc còn diễn biến phức tạp. (6) Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền có mặt còn hạn chế. (7) Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới còn chậm so yêu cầu.
Du khách xem biểu diễn xiếc thú tại Vinpearl Safari Phú Quốc, giữa tháng 3-2025. Ảnh: TÂY HỒ
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu!
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, tạo tiền đề vững chắc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam. Trước yêu cầu mới, Đảng bộ tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết Trung ương về không tổ chức cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh bảo đảm yêu cầu, tiến độ theo chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương. Lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 sau khi sáp nhập.
Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Khai thác các động lực tăng trưởng mới, như nuôi biển, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, cảng biển và dịch vụ logictis, hậu cần cảng…
Ba là, tiếp tục phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng hiện đại. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào quản lý, sản xuất, phát triển hạ tầng kỹ thuật kết nối số, đô thị thông minh.
Bốn là, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo phát triển toàn diện văn hóa và con người Kiên Giang. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, biên giới, biển đảo quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế để tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững của tỉnh.
Sản xuất giày da tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang. Ảnh: TÂY HỒ
Thưa các đồng chí và quý đại biểu!
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng những chiến công oanh liệt và sự cống hiến hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh cho vùng đất này mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử của dân tộc và của tỉnh.
Hôm nay, cùng với cả nước, tỉnh Kiên Giang đang vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển. Nhìn lại những chặng đường lịch sử đầy hào hùng, oanh liệt của đất nước, của dân tộc, chúng ta càng hiểu và tự hào sâu sắc hơn về quá khứ, đánh giá đúng hiện tại, vững tin hơn nữa vào tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc và của tỉnh Kiên Giang. Qua đó, mỗi chúng ta phải ra sức giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và những giá trị bền vững của văn hóa, con người Việt Nam vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa, xây dựng Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, góp phần tạo tiền đề vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn thể các đồng chí và đồng bào luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
- Tinh thần chiến thắng 30-4-1975 mãi mãi tỏa sáng, phát huy giá trị trong thời đại ngày nay!
- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn!
(KGO) - Để đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và cao điểm du lịch hè 2025, ngày 29-4-2025, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Công văn số 1037/UBND-KGVX chỉ đạo về vấn đề này.
Tổng số lượt truy cập: