22/11/2022 10:02
Tại buổi làm việc, ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện các doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam, xem đây là điểm đến đầu tư quan trọng. Vì vậy JETRO dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, nhất là tỉnh Kiên Giang.
“Sau đại dịch COVID-19, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản nhìn nhận lại quá trình tái cấu trúc mối quan hệ toàn cầu. Một trong những động thái đó là các doanh nghiệp Nhật Bản hạn chế dần đầu tư vào thị trường Trung Quốc và mở rộng sang thị trường các nước, trong đó có Việt Nam”, ông Matsumoto Nobuyuki cho biết.
Qua khảo sát của JETRO, thị trường lao động và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Trung Quốc hiện tại đã rơi xuống vị trí thứ ba, lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai.
Ông Matsumoto Nobuyuki cho rằng, khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận hiện không còn nhiều quỹ đất và thị trường lao động không còn dồi dào như trước, vì vậy doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các khu vực đầu tư ở xa hơn, hướng về phía Nam.
Hiện JETRO tiến hành khảo sát và làm việc với 22 tỉnh, thành phố ở Việt Nam để tìm hiểu thị trường đầu tư và lao động.
“Năm 2023 sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây sẽ là thời điểm rất quan trọng để hai quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp cũng như các mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản với tỉnh Kiên Giang”, ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Ông Matsumoto Nobuyuki (thứ hai, từ trái sang) phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, sáng 22-11.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng mặc dù sự hợp tác đầu tư thương mại, du lịch giữa tỉnh Kiên Giang và các doanh nghiệp Nhật Bản đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Với mong muốn được đón tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
“Tôi tin tưởng rằng tỉnh Kiên Giang tiếp tục nhận được tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm hơn nữa của JETRO và ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng, coi Kiên Giang là điểm đến tiềm năng trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhà (bìa phải) phát biểu tại buổi tiếp, sáng 22-11.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Kiên Giang có 3 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) Nhật Bản gồm dự án cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria Việt Nam tại TP. Rạch Giá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotteria Việt Nam với tổng vốn đầu tư 328.065 USD; dự án hoạt động thương mại và đầu tư tại huyện Kiên Lương của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Nakayama có tổng vốn đầu tư 1 triệu USD. Hai dự án trên đã đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Còn dự án đường ống dẫn khí lô B của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác nước ngoài đầu tư theo Hợp đồng BCC (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Kim ngạch xuất khẩu từ tỉnh Kiên Giang qua thị trường Nhật Bản năm 2021 đạt 51,08 triệu USD, tăng 1,98% so cùng kỳ. Nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt 0,85 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 62,73 triệu USD, tăng 46,94% so cùng kỳ. Nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt 0,94 triệu USD, tăng 10,6% so cùng kỳ.
Mặt hàng xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản chủ yếu là giày da, thủy sản (tôm đông, mực đông, cá đông, bột cá, surimi). Mặt hàng nhập khẩu như mực đông, tôm đông, cá đông, đậu bột ớt...
Tin và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chiều 31-10, Thanh tra tỉnh Kiên Giang công bố kết luận thanh tra thực hiện pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng đối với UBND TP. Hà Tiên.
Tổng số lượt truy cập: