16/06/2023 15:36
Quang cảnh hội thảo quản lý quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương cho biết tại hội thảo này, các nhà quản lý, chuyên môn, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư cùng trao đổi kinh nghiệm về công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua, định hướng quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Từ đó, giúp Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đúc kết những bài học kinh nghiệm trong công tác tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý ngành xây dựng.
Tham luận về phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn theo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam cho biết định hướng đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ; bất động sản và công nghệ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. TP. Rạch Giá - TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam trình bày tham luận tại hội thảo.
Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam đề xuất 4 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để tỉnh đạt mục tiêu đề ra theo quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Kiên Giang đến năm 2030: Phát triển kinh tế đất liền hướng biển, hình thành khu kinh tế ven biển Rạch Giá, gắn kết giữa đất liền và Phú Quốc; phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù, hỗ trợ cơ chế đặc thù cho phát triển TP. Phú Quốc, khu kinh tế Phú Quốc; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế của tỉnh và xây dựng Chính phủ số; lấn biển theo định hướng sáng tạo, phù hợp điều kiện và năng lực tự nhiên tạo không gian phát triển hướng biển. Du lịch, nông lâm ngư nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp là những ngành kinh tế quan trọng.
Trưởng Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Mai Minh Luân cho biết so các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ đô thị hóa của Kiên Giang đứng thứ 4 trong vùng. Hiện toàn tỉnh có 16 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại II là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, 1 đô thị loại III là TP. Hà Tiên, 1 đô thị loại IV là thị trấn Kiên Lương, 11 đô thị loại V.
Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,45%; có 24 đô thị. Trong đó, tỉnh sẽ nâng TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc lên đô thị loại I, TP. Hà Tiên sẽ là đô thị loại II, Kiên Lương đô thị loại IIII, các thị trấn Giồng Riềng, Minh Lương, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận và Thứ Ba sẽ được nâng lên thành đô thị loại IV, 15 đô thị loại V. Ước tính nguồn vốn thực hiện khoảng 28,8 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, đại biểu nghe ý kiến, kiến nghị của nhiều địa phương liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị, trong đó đề nghị tỉnh Kiên Giang ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thoát nước, xử lý nước thải. Một số ý kiến cho rằng công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tình trạng xây dựng công trình không phép, sai quy hoạch vẫn còn; kinh phí bố trí cho công tác lập quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của địa phương….
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương cho rằng các tham luận chất lượng, đi sâu vào trọng tâm, rất thiết thực cho ngành xây dựng. Với vai trò của mình, ngành xây dựng sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, nếu vượt thẩm quyền Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang để chỉ đạo thực hiện…
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang định kỳ tháng 12-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo và nhắc nhở các sở, ngành, địa phương không được tự mãn mà phải tiếp tục xem công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục.
Tổng số lượt truy cập: