30/06/2021 15:54
CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đồng thời thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, triển khai nhiều giải pháp, trong đó cải cách hành chính là một trong các giải pháp trọng tâm.
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Song song đó, chỉ đạo đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến cũng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương chiều 24-6, đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết 2 chỉ số này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm suốt thời gian qua.
“Các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ động tham mưu Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số cải cách hành chính năm 2020 tại điểm cầu Kiên Giang.
Theo nhận định của Bộ Nội vụ, các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn tại địa phương, giúp kết quả cải cách hành chính trong năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, rào cản và triển khai các giải pháp hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy đang dần mang lại những hiệu quả rõ nét, thể thế được hoàn thiện một bước. Các địa phương tích cực, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn.
GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TĂNG
Năm 2020 là năm thứ 9 nước ta sử dụng công cụ chỉ số để đánh giá cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Kết quả đáng phấn khởi, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so năm 2019, đồng thời tăng 12,18% so năm 2012. Đây cũng là năm có chỉ số cải cách hành chính đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính, tiếp tục không có bộ nào có chỉ số dưới 80%.
Với chỉ số tổng hợp 95,88 điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2020 và lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu trong số các bộ, ngành. Để đạt kết quả này, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ở Ngân hàng Nhà nước, người đứng đầu đã nhận thức rất sớm và rất rõ ràng về cải cách hành chính, chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển động thật sự từ trên xuống dưới.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của tỉnh, thành phố cũng nhiều khởi sắc với giá trị trung bình 83,72%, cao hơn 2,57% so năm 2019 và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý có tới 58 tỉnh, thành phố có chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so năm 2019, trong khi đó năm 2019 chỉ có 44 địa phương. Phân tích các chỉ số thành phần cho thấy, có 7/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng cao hơn so năm 2019.
Bộ Nội vụ đánh giá, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước dẫn đến một vài chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2020 chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, xét một cách tổng quát thì đa số các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính lại được thành công hơn mong đợi. Điển hình như việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xử lý hồ sơ công việc và trao đổi công việc trên môi trường điện tử; phương pháp chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ở nhiều địa phương có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chỉ số cải cách hành chính và SIPAS năm 2020 tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn là những công cụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả của công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương. Việc công bố kết quả các chỉ số này tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: