11/08/2022 10:33
Trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp để xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ý thức được trách nhiệm này, bộ chủ động ký chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện. Đồng thời, ký kết với Hiệp hội Văn hóa và kinh tế để xây dựng các tiêu chí, vận động doanh nghiệp xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong rằng các địa phương, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến công xưởng, nhà máy mà phải chú ý đến không gian văn hóa để đáp ứng được đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động. Doanh nghiệp có trách nhiệm đối với cộng đồng, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tái tạo sức lao động…
Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, chiều 10-8.
Xung quanh các biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam bền vững theo đề nghị của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng thông tin thị trường lao động đang có sự chuyển dịch nên nhân lực du lịch có khó khăn, không chỉ riêng Việt Nam mà cả quốc tế.
“Các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho du lịch cần đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngành du lịch như miễn, giảm thuế, tiền điện cho các cơ sở lưu trú. Trong bối cảnh khó khăn này nên kéo dài thêm thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ đến năm 2023”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề nghị.
Tại phiên làm việc chiều 10-8, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp bảo vệ và phát huy các giá trị di tích. Theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt; 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho biết ở nhiệm kỳ Quốc hội trước đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích, tuy nhiên nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước. Bộ đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích.
“Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, bộ sẽ phân bổ cho các địa phương trùng tu, tôn tạo”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng trả lời đại biểu về những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc; tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tin và ảnh: QUỐC TRINH
(KGO) - Sáng 4-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: