27/09/2021 09:16
Tại điểm cầu trực tuyến Kiên Giang, đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang chủ trì. Các đồng chí: Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Đức Chín - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự hội nghị.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc gặp với đại diện doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nắm bắt tình hình, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Chính phủ ban hành nhiều nghị định, nghị quyết nhằm tạo điều kiện và gỡ khó cho doanh nghiệp…
Đồng chí Đỗ Thanh Bình (bàn chủ tọa, giữa) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang chủ trì tại điểm cầu trực tuyến Kiên Giang
Tại Kiên Giang, đến nay tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19. Hiện trên địa bàn tỉnh có 136 doanh nghiệp duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và 19 doanh nghiệp sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động trong phạm vi cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng làm giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh. Hoạt động du lịch của Kiên Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế rất lớn đối với doanh nghiệp du lịch. 9 tháng năm 2021, tổng lượng khách du lịch hơn 2,3 triệu lượt, đạt 33,2% kế hoạch năm 2021, giảm 45,6% so cùng kỳ năm 2020.
Trước tình hình trên, Kiên Giang giữ vững mục tiêu không để dịch lây lan vào khu, cụm công nghiệp và duy trì hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng sản xuất tại khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kiên Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên vaccine cho công nhân, gia đình công nhân, tạo vùng xanh cho nhà máy và khu vực người lao động sinh sống; cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đào tạo, tập huấn lực lượng xét nghiệm tại doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ, mở rộng điều kiện cho vay, miễn, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất.
Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Trong ảnh: Công nhân vận chuyển gỗ thành phẩm vào kho của công ty.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một số đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Bộ tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80/2021/NĐ-CP, ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời tăng cường cho vay ưu đãi thông qua quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu, đề xuất của doanh nghiệp trong điều kiện tốt nhất có thể; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19; xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Riêng các địa phương, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; tích cực hiến kế cho chính quyền địa phương, đóng góp sáng kiến cho chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp.
Tin và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Sáng 4-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: