28/12/2021 08:31
EVN cho biết điện thương phẩm 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so cùng kỳ năm trước. Khu vực 27 tỉnh miền Bắc vẫn là khu vực tăng trưởng cao, với mức tăng 9,48%, gấp 2,42 lần cả nước. Tại 21 tỉnh miền Nam, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong 11 tháng, điện thương phẩm tăng trưởng 1,25%. Cả năm dự kiến điện thương phẩm tăng trưởng khoảng 3,8%.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay trên cơ sở thực tế và căn cứ theo dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo nghị quyết của Quốc hội, Tập đoàn EVN đã cân đối cung cầu năm 2022 với phương án phụ tải tăng trưởng ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện cả nước là 275,5 tỷ kWh. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt nhất cho các tình huống phục hồi kinh tế, EVN cũng tính toán thêm kịch bản cung ứng điện với mức tăng trưởng nhu cầu phụ tải ở mức cao, 12,4%, tương ứng sản lượng điện cả nước là 286,1 tỷ kWh.
Ông Võ Quang Lâm cho biết dựa trên các kịch bản cung ứng điện đã đưa ra, EVN tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính gồm vận hành, đảm bảo nguồn cung và tăng cường năng lực truyền tải, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, với nhóm giải pháp về vận hành, EVN sẽ tập trung tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022.
Hiện nay, Tập đoàn EVN đã điều hành việc tích nước các hồ thủy điện miền Bắc. Tuy nhiên do lưu lượng nước về kém nên đến nay một số hồ thủy điện vẫn chưa tích đủ nước (Lai Châu còn hụt 2,7m, Hòa Bình hụt 3,6m, Thác Bà hụt 2,7m, Bản Vẽ còn hụt 3,5m...). Trong thời gian còn lại của năm 2021, EVN sẽ tiếp tục giảm khai thác các nhà máy thủy điện nói trên để cố gắng tích nước lên cao nhất có thể vào cuối năm.
Các kịch bản bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2022 đã được EVN xây dựng hết sức cụ thể.
Cùng với đó, EVN tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy; đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện. Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5 và tháng 7-2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện khu vực miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện, nhất là các nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà.
Tập đoàn EVN cũng thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công thương, chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để ký kết các phụ lục hợp đồng điều chỉnh lại khung giờ cao điểm của các nhà máy này vào các giờ phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm ở miền Bắc.
Về giải pháp tăng cường năng lực truyền tải, EVN tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc như treo dây mạch 2 đường dây 220kV Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu; tập trung hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Qua tính toán cân đối, EVN nhận định về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện.
Nguồn: baochinhphu.vn
(KGO) - Sáng 4-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: