20/03/2023 15:51
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh - Ảnh: chinhphu.vn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tòa án, viện kiểm sát các tỉnh, thành phố; Tòa án nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, tòa án quân sự…
Điểm cầu trực tuyến Kiên Giang, có đồng chí Lê Hồng Thắm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang dự.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính.
Phiên chất vấn tập trung các nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu trực tuyến Kiên Giang, sáng 20-3. Ảnh: THU OANH
Trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết vẫn còn tình trạng án hành chính chưa được thực thi hoặc thực thi không nghiêm túc; còn tình trạng nể nang, né tránh, tuy nhiên số lượng không nhiều. Đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật.
Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đề hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính cần thực hiện đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử.
Về phiên tòa trực tuyến, xét xử trực tuyến, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến cơ bản đầy đủ; đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa, góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.
Buổi chiều 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
THU OANH
(KGO) - Đến ngày 14-12-2024, mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi (từ chương trình 120.000 tỷ đồng) trên cổng thông tin điện tử.
Tổng số lượt truy cập: