02/09/2023 09:11
Chúng ta tưởng như còn đâu đây trong không gian, thời gian của ngày 2-9-1945 lịch sử, tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, trước hàng vạn nhân dân, giọng đọc ấm áp của Bác Hồ truyền vào từng hơi thở, nhịp đập con tim vang vọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
“Giọng của Người đâu phải sấm trên cao
Ấm từng tiếng thắm vào lòng mong ước
Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…”
(Tố Hữu)
Có thể nói, bản Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao tiêu biểu, phản ảnh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những lẽ phải không ai chối cãi được về quyền con người, quyền dân tộc.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
78 năm trôi qua, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên giá trị mang tính thời sự sâu sắc khẳng định ý chí, khát vọng, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị về quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… đã được Đảng và Nhà nước ta biến thành nghị quyết đưa vào cuộc sống.
Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện lòng quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập của dân tộc đã giành được. Đó là quyết tâm, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”…
Lời của Bác Hồ đã biến thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên trì, anh dũng, bền bỉ đấu tranh, giành được những thành tựu to lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tăng trưởng kinh tế không ngừng tăng lên, văn hóa - xã hội phát triển. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam được cải thiện, mức sống của người dân được nâng lên.
Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 190 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, gia nhập và tích cực xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ.
78 năm qua, Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Bác Hồ kính yêu vẫn vang vọng với non sông đất nước, mãi mãi đi cùng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập ấy thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam.
Ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn, là kim chỉ nam hành động cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến đất nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức, Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang đồng hành cùng nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh, để giữ trọn lời thề thiêng liêng trong Tuyên ngôn Độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước hùng cường, quán triệt và thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng không chỉ là khát vọng ngàn đời của ông cha ta được kết tinh hùng hồn trong Tuyên ngôn Độc lập mà còn là phương châm hành động của chúng ta trong thời đại mới.
TRƯƠNG THANH NHÃ
(KGO) - Sáng 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Tổng số lượt truy cập: