09/10/2022 19:52
Mục tiêu đặt ra của đợt tuần tra lần này là nắm tình hình hoạt động nghề cá trên biển, những khó khăn vướng mắc của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, để từ đó có những đánh giá, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Đợt tuần tra, kiểm tra cũng là dịp để 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chống khai thác IUU, chuẩn bị tốt cho đợt đón tiếp đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) vào cuối tháng 10-2022.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Lê Quốc Anh (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau - Lê Văn Sử (hàng đầu bên phải) cùng đoàn kiểm tra thực tế tại quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).
Đoàn kiểm tra đến quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) thăm, tặng áo phao, cờ Tổ quốc và thư kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về chống khai thác IUU cho ngư dân.
Đồng chí Lê Quốc Anh ân cần thăm hỏi, động viên ngư dân tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, an tâm bám biển; kêu gọi, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, không đưa tàu đi khai thác vùng biển nước ngoài để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Lê Quốc Anh trao thư kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về chống khai thác IUU cho ngư dân.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện khai thác thủy sản tại vùng biển từ quần đảo Nam Du (Kiên Giang) đến Hòn Chuối (Cà Mau). Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều vi phạm của các tàu cá như: Thiết bị giám sát hành trình không niêm phong kẹp chì; giấy phép khai thác thủy sản hết hạn; tàu cá hết hạn đăng kiểm; không có nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản; tàu cá mất kết nối với hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình...
Lực lượng kiểm tra ngẫu nhiên một tàu cá trên biển.
Đồng chí Lê Quốc Anh đánh giá, qua kiểm tra thực tế trên biển nhận thấy ngư dân đều hiểu biết về Luật Thủy sản cũng như quy định về khai thác IUU. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của ngư dân về quy định cũng như các khuyến nghị của EC còn hạn chế.
So với các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước, Kiên Giang gặp nhiều khó khăn hơn trong hành trình khắc phục thẻ vàng EC. Bởi đội tàu của tỉnh chiếm 15% tổng số tàu cả nước, vùng biển rộng lớn, số lượng ngư dân đông đảo, trong khi lực lượng thực thi trên biển quá mỏng nên khó khăn trong việc kiểm soát tàu cá vi phạm.
Do đó, sau chuyến đi thực thế này, Kiên Giang cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để khắc phục những hạn chế.
"Kiên Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền theo hướng tập trung có trọng tâm, trong điểm; thực hiện các giải pháp cứng rắn hơn như xử lý nghiêm, phạt nặng, thậm chí tịch thu tàu đối các hành vi cố tình vi phạm khai thác IUU. Ngoài ra, tỉnh phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng truy tìm các đường dây môi giới đưa tàu và ngư dân đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài…", đồng chí Lê Quốc Anh cho biết.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Đến ngày 14-12-2024, mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi (từ chương trình 120.000 tỷ đồng) trên cổng thông tin điện tử.
Tổng số lượt truy cập: