31/03/2024 12:27
Tham dự hội nghị còn có Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng đặc sản của TP. Phú Quốc tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nhận thức về Phú Quốc có vai trò vị trí quan trọng, rất đặc thù đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, sự phát triển về văn hóa, du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Phú Quốc có vị trí rất quan trọng trong bản đồ du lịch trong nước cũng như quốc tế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
TP. Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi, cảnh vật đẹp, điều kiện tự nhiên đặc biệt, chính vì thế nên Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển thế nào cho xứng tầm với vai trò, vị trí, tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của Phú Quốc. “Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Phú Quốc là xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm và có ưu tiên”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với Phú Quốc là đúng đắn, đúng với điều kiện thực tế của Phú Quốc. Sau 20 năm thực hiện Quyết định 178, TP. Phú Quốc cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cho biết sau 20 năm có thể nhìn ra “6 cái hơn” đó là: Tiềm lực được tăng cường hơn, hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn, quan tâm ủng hộ giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế nhiều hơn, uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên, đóng góp cho GDP và thu ngân sách, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn, thời cơ, thuận lợi cho phát triển Phú Quốc được nhiều hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Mặc dù thời cơ, thuận lợi cho phát triển Phú Quốc được nhiều hơn nhưng khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít hơn cho phát triển nhanh và bền vững, cho phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng cũng nêu ra một số hạn chế mà TP. Phú Quốc cần khắc phục trong thời gian tới như vấn đề xử lý rác thải, phát triển nóng, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức…
Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, vị trí của đảo Phú Quốc trong sự phát triển trong tương lai của đất nước và tỉnh Kiên Giang. “Phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Định hướng phát triển trong thời gian tới là phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững, xây dựng TP. Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, phát triển TP. Phú Quốc hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và là nơi đáng sống, Thủ tướng cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận giải quyết vấn đề của Phú Quốc, cần khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm, nâng cao khát vọng và phát triển Phú Quốc của cả hệ thống chính trị và người dân Phú Quốc.
TP. Phú Quốc cần chọn ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm để phát triển, ưu tiên các động lực phát triển mới và làm mới lại các động lực phát triển cũ; phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời phải giữ được ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ được độc lập, chủ quyền tại Phú Quốc…
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đánh giá đối chiếu với các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định 178/2004/QĐ-TTg cho thấy cơ bản đều đạt và vượt, thể hiện rõ nhất về thu hút khách du lịch.
Sau khi Quyết định 178/2004/QĐ-TTg được ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện. Đặc biệt là quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là bản quy hoạch đầu tiên của Phú Quốc sau 30 năm giải phóng, là một trong số ít địa phương cấp huyện ở thời điểm này có quy hoạch để cụ thể hóa chủ trương và tổ chức triển khai thực hiện.
Có thể nói giai đoạn 2006-2010, với cơ chế, chính sách đột phá, Phú Quốc đã trở thành địa bàn thu hút nhiều nhà đầu tư, đến năm 2010 đã thu hút 254 dự án. Tính bình quân giai đoạn 2005-2020, tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho Phú Quốc 37.212 tỷ đồng.
“Nếu không có sự đồng thuận của nhân dân thì Phú Quốc không thể triển khai hoàn thành được khối lượng công việc đồ sộ với 242 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được triển khai, tổng diện tích đất thu hồi hơn 8.300ha”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh “công thức” mang đến sự phát triển của Phú Quốc trong gần 20 năm qua đó là sự kết hợp của các yếu tố: Tầm nhìn, chủ trương, quy hoạch, hạ tầng khung và cơ chế chính sách đột phá, nhà đầu tư chiến lược, sự đồng thuận của nhân dân, phân cấp, phân quyền.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại hội nghị.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, sau gần 20 năm thực hiện, từ huyện đảo, Phú Quốc đã đạt đô thị loại II và là thành phố thuộc tỉnh. Hiện tỉnh Kiên Giang và TP. Phú Quốc tập trung nguồn lực để đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn nâng cấp lên đô thị loại I trước năm 2025.
Bộ mặt của thành phố đảo có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 thu ngân sách của Phú Quốc chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023, thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so năm 2004.
Từ một địa phương không có dự án đầu tư nào, đến năm 2023, TP. Phú Quốc đã thu hút 321 dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so với năm 2004.
Từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 Phú Quốc thu hút trên 130.000 lượt khách du lịch, đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt du khách, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178/2004/QĐ-TTg. Đến nay, TP. Phú Quốc đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay, đối với đường bay quốc tế đã kết nối đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chính sách an sinh xã hội, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa đều được triển khai thực hiện tốt. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo TP. Phú Quốc 2,36% thì đến năm 2020 giảm còn 0,21% và năm 2023 còn 0,18%...
Tin và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Ngày 6-12, tại TP. Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí khu vực phía Nam bàn về báo chí chất lượng cao trong chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan báo chí của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, từ tỉnh Bình thuận trở vào.
Tổng số lượt truy cập: