13/05/2020 10:53
Theo kết quả khảo sát 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ. Trong số các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, 56,9% doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa. Doanh nghiệp FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra với 61,2% doanh nghiệp và 53,8% doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa. Doanh nghiệp xuất khẩu ngành may mặc và da giày có tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lần lượt là 64,5% và 65%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử và ô tô cũng gặp khó khăn với 45% doanh nghiệp không xuất khẩu được. Doanh thu các doanh nghiệp trong quý I-2020 giảm mạnh, còn 74,1% so cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu giảm, các doanh nghiệp vẫn phải gánh các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản phí liên quan đến người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, nhất là vốn lưu động.
Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng COVID-19 là đại dịch nhưng là cơ hội phát triển ở Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt. Khẳng định doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế từ tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 yêu cầu, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển; doanh nghiệp phải được tái cơ cấu để phát triển, nâng cao trình độ quản trị trong phát triển để phát triển bền vững; các cấp, ngành, nhất là các doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển để nâng cao sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn ở địa phương mình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. “Cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển, nhất là những vướng mắc tại các địa phương. Đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp và người lao động yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn. Không được đổ qua đổ lại làm chậm, mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, các địa phương tháo gỡ khó khăn”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đối với doanh nghiệp cũng như đối với các cơ quan nhà nước, 3 thứ cần giữ hiện nay là giữ lao động, giữ thị trường và phát triển thị trường. Thị trường trong nước 100 triệu dân và thị trường nước ngoài. Tiếp theo là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam. Đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã… Các bộ, địa phương quan tâm xử lý, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất, giảm nhóm vay, chia sẻ cùng doanh nghiệp; nâng cao đạo đức công vụ, tạo thuận lợi, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển; phối hợp các doanh nghiệp đào tạo lại lao động, nguồn nhân lực trong yêu cầu hiện nay. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khó khăn gấp đôi chúng ta phải cố gắng gấp ba để vượt qua, nhất là trong lúc dịch COVID-19 vẫn còn lưu lại đâu đó ở xung quanh chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam”.
ĐẶNG LINH
(KGO) - Ngày 17-6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình “Hành quân xanh” năm 2025 tại Đại đội 6, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: