06/05/2024 08:59
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Trung Quốc: Trần Canh (giữa), Vi Quốc Thanh (phải), những người đồng chí chân tình luôn ủng hộ và có nhiều đóng góp quý báu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Thực hiện mục tiêu này, Việt Nam từng bước chuẩn bị toàn diện, kỹ càng cả về nhân lực, vật lực. Trong quá trình đó có sự ủng hộ, giúp đỡ quan trọng của quốc tế.
Từ năm 1950, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam đã nhận được từ những quốc gia này sự giúp đỡ cả về vật chất và chính trị. Đến cuối năm 1950, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam gần 4.000 tấn hàng, trong đó có hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn, 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, hơn 2.600 tấn gạo, 30 xe vận tải. Nếu như năm 1951, mỗi tháng Việt Nam nhận được từ Trung Quốc 10-20 tấn hàng hóa các loại, thì năm 1952 tăng lên 250 tấn và tiếp tục tăng lên 600 tấn/tháng vào năm 1953.
Để giúp Việt Nam tiến hành chiến dịch lớn, Trung Quốc đảm nhận vai trò huấn luyện lực lượng vũ trang cho Việt Nam. Sau một thời gian được Trung Quốc đào tạo, hai tiểu đoàn công binh, một trung đoàn pháo binh và một trung đoàn pháo cao xạ đã nắm vững kỹ thuật và chiến thuật, bảo đảm đủ năng lực để tham gia chiến dịch. Đây là lực lượng tin cậy góp phần đánh bại đối phương tại Điện Biên Phủ.
Trung Quốc cũng cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm sang giúp bộ đội Việt Nam học tập, huấn luyện tại chỗ. Đội ngũ cố vấn Trung Quốc bồi dưỡng bộ đội Việt Nam về kỹ thuật, chiến thuật, nhất là chiến thuật công kiên và kỹ thuật đánh bộc phá. Bên cạnh đó, bộ đội Việt Nam cũng được học các kỹ thuật đánh vận động dã ngoại, hiệp đồng binh chủng...
Dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc, đến cuối năm 1953, các đơn vị bộ đội Việt Nam đều được huấn luyện nâng cao trình độ chiến đấu, có thể vận dụng thuần thục các hình thức chiến thuật truyền thống (như tập kích, phục kích); đồng thời, có khả năng chiến đấu bằng nhiều hình thức chiến thuật khác nhau với trình độ chỉ huy, hiệp đồng được nâng lên một bước.
Trung Quốc còn cử cố vấn quân sự trên nhiều lĩnh vực (tham mưu, chính trị, hậu cần...) cùng với các đồng chí tướng lĩnh của Quân đội Việt Nam tiến hành khảo sát, lên kế hoạch, chuẩn bị chiến trường và xác định phương án tác chiến.
Để bộ đội Việt Nam có thêm kinh nghiệm tác chiến trước một chiến dịch quan trọng, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu để bộ đội Việt Nam tham khảo. Cố vấn Trung Quốc còn giới thiệu cho bộ đội Việt Nam cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên cơ sở kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc; hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan, học tập; cử những chuyên gia đào hào giúp đỡ chỉ đạo thực thi tác chiến hầm hào.
Về giúp đỡ vật chất, “Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất”. Trong 8 tuần diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc cung cấp hơn 8.200 tấn vật tư.
Lưu ý thêm rằng, Trung Quốc viện trợ 1.700 tấn gạo; 3.600 viên đạn pháo 105mm ta được chi viện (cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953) chiếm 18% tổng số đạn pháo được sử dụng. Sau đó, Trung Quốc còn chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn pháo 105mm, dù đạn pháo 105mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên...
Về phía Liên Xô, từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam nhận được hơn 21.500 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp, trong đó có 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, toàn bộ hỏa tiễn (Cachiusa), tiểu liên K50 cùng 685 chiếc ô tô vận tải.
Với những nỗ lực to lớn của quân dân Việt Nam cùng sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế, cuối cùng, thời khắc chiến thắng đã đến, 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ, De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu của địch bị bắt sống. Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn trước khi Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc một ngày. Nhờ đó, kế hoạch Dulles nhằm quốc tế hóa cuộc chiến tranh thất bại; nội tình nước Pháp chia rẽ sâu sắc, thực dân Pháp không còn lựa chọn nào khác ngoài rút khỏi Đông Dương.
Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những minh chứng sống động cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tận dụng tối đa các nhân tố thuận lợi bên ngoài gắn với không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh nội lực. Trong chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp đầy chông gai, thử thách, cũng như trong giai đoạn nước rút của một chiến dịch sinh tử, nhân dân Việt Nam không đơn độc. Kề vai, sát cánh cùng với Việt Nam luôn có các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới, nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và to lớn của Trung Quốc, Liên Xô.
Đây là yếu tố không thể thiếu đối với thắng lợi của chiến dịch. Song, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường phát huy sức mạnh nội lực, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc chính là cơ sở trực tiếp, quyết định nhất để tranh thủ sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh thời đại một cách hiệu quả nhất. Trong tình hình hiện nay, bài học này vẫn tiếp tục soi rọi, tiếp tục cho thấy rằng, yếu tố dân tộc và thời đại luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu kết hợp đúng đắn, phù hợp sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn nâng tầm dân tộc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ của thời đại.
Theo Báo Quân đội nhân dân/Đại tá, PGS, TS HỒ KHANG - Nguyên phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự
(KGO) - 4 công trình gồm: đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc; đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc; cấp điện lưới quốc gia cho hai xã đảo An Sơn, Nam Du (Kiên Hải); trạm biến áp 220kV Phú Quốc.
Tổng số lượt truy cập: