30/03/2023 18:13
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện An Biên đã kịp thời hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật, giúp hội viên, nông dân giảm nghèo và làm giàu.
ĐỒNG VỐN KỊP THỜI
Hai lần được Hội Nông dân xã Nam Thái A (An Biên) hỗ trợ vay vốn để cải tạo đất độc canh cây lúa sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, trả được nợ, gia đình bà Dương Thị Tám, ngụ ấp Thái Hòa từng bước thoát nghèo. Bà Tám tâm sự: “Chồng tôi mất sau 10 năm trên giường bệnh khiến gia đình lâm cảnh nợ nần. Nhờ hội cho vay vốn để chuộc lại đất, cải tạo ao nuôi tôm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi mà gia đình thoát nghèo”.
Đồng chí Phan Công Rô - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Biên cho biết: “Vay vốn không khó, cái khó là sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Ngoài nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hội còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cách sử dụng vốn, gắn tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nghề và quan trọng là phải có mô hình thành công để người dân tin, học và làm theo”.
Đến tháng 3-2023, Hội Nông dân huyện An Biên vận động quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh được 2,1 tỷ đồng, ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân huyện An Biên quản lý hơn 3 tỷ đồng, hỗ trợ cho 263 lượt hộ vay vốn để xây dựng 103 lượt dự án, mô hình sản xuất hiệu quả.
Hai cấp Hội Nông dân huyện An Biên phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp 3.328 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ 96,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
GIÚP DÂN LÀM GIÀU
Ông Cao Thế Bùi - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hòa Nam, xã Nam Thái A, huyện An Biên xử lý chế phẩm sinh học gây màu nước trong vuông tôm.
Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu bền vững do Hội Nông dân huyện phát động, ông Nguyễn Văn Quân, ngụ ấp Ngã Bát, xã Tây Yên A tận dụng ao quanh nhà và nguồn cá phân tại địa phương để đầu tư nuôi cá lóc thương phẩm.
Ông Quân nói: “Để tránh dội chợ, tôi chia thành nhiều đợt thả cá để thu hoạch liên tục. Cá lóc dễ nuôi, ít bệnh, chỉ cần định kỳ thay nước, xử lý ao nuôi là cá phát triển khỏe mạnh. Tôi vừa thu hoạch 11 tấn cá lóc đầu nhím thương phẩm, với giá bán 44.000 đồng/kg, tôi thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng sau 7 tháng nuôi”.
Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội nông dân huyện An Biên hướng dẫn thành lập 72 tổ hợp tác, 17 hợp tác xã, nâng tổng số toàn huyện lên 98 tổ hợp tác, 32 hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hòa Nam, xã Nam Thái A được thành lập với mục tiêu giúp nông dân đoàn kết, giảm nghèo và làm giàu.
Năm 2020, 10 thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hòa Nam được quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vay 300 triệu đồng để đầu tư mô hình tôm - lúa. Đồng vốn kịp thời của hội đã giúp nông dân nơi đây khôi phục sản xuất sau thời gian dài thất thu vì đại dịch COVID-19, đồng thời chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi tôm, trồng lúa theo hướng bền vững hơn.
Ông Cao Thế Bùi (60 tuổi) - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hòa Nam, xã Nam Thái A cho biết: “Không chỉ được hỗ trợ vay vốn, khi tham gia dự án sản xuất lúa - tôm, tôi và bà con còn được hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học tạo màu nước, cách xử lý độ mặn trong ao đạt chuẩn cho tôm phát triển nên nuôi tôm đạt hơn, thời gian nuôi cũng rút ngắn từ 4-5 tháng xuống còn 2,5 tháng, tăng lợi nhuận gần 30% so với trước”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động trong hệ thống chính trị là một chiến lược lớn, mang tính tất yếu, được Đảng và Nhà nước nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trước những thay đổi lớn lao này, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, không khỏi có những tâm tư, trăn trở sâu sắc.
Tổng số lượt truy cập: