29/03/2024 10:25
Đồng chí Đỗ Thanh Bình |
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đến nay, đề án được triển khai thực hiện gần 20 năm. Có thể khẳng định rằng Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg đóng vai trò là kim chỉ nam, mở đường và định hình hướng phát triển của đảo ngọc Phú Quốc. Với các kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh như hiện nay, càng cho thấy ý nghĩa cũng như tầm quan trọng trong việc quan tâm, ban hành các chính sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đối với sự phát triển của Phú Quốc.
Qua gần 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phú Quốc đạt được nhiều thành tựu hết sức nổi bật, từ huyện đảo nhiều khó khăn vươn lên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đảo đầu tiên của nước ta. Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra 4 mục tiêu về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thì cả 4 mục tiêu đều đạt và vượt (1 mục tiêu vượt). Phú Quốc đã vươn mình trở thành một trong những điểm tham quan, du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt Phú Quốc trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của Kiên Giang.
Diện mạo của TP. Phú Quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững. Hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm về nông nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao qua các năm, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so năm 2004.
Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh, tính đến cuối năm 2023 đóng góp hơn 50% vào ngân sách chung của tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, riêng năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so với năm 2004...
Về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130.000 lượt du khách, đến cuối năm 2023 Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt du khách tham quan, du lịch, tăng 42,7 lần so với năm 2004; đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đến nay, hạ tầng quan trọng của Phú Quốc đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp và khách du lịch. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia - sự kiện này giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng, chi phí vận hành, chi phí sinh hoạt của người dân trên đảo và đây cũng là năm Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên, đưa du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc dễ dàng hơn.
Thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình thu hút đầu tư vào Phú Quốc có bước phát triển đột phá. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án tại Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp được thành lập và số lượng không ngừng tăng, đến năm 2023 Phú Quốc có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đầu tư trên 142.000 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.
Trung tâm TP. Phú Quốc.
Văn hóa - xã hội trên địa bàn TP. Phú Quốc được quan tâm chỉ đạo đúng mức, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Hệ thống giáo dục trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, số lượng các trường, phòng học, trang thiết bị dạy và học được đầu tư đạt chuẩn. Trên địa bàn thành phố có các Trường Trung cấp nghề Việt - Hàn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề Phú Quốc, Trường Kỹ thuật Nông nghiệp Phú Quốc đào tạo nghề cho người lao động địa phương và cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn với số lượng đáng kể người lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư phát triển, sự nghiệp y tế được tăng cường cả về số lượng cán bộ y tế và cơ sở vật chất. TP. Phú Quốc có trung tâm y tế và 9 trạm y tế ở 9 xã, phường đạt chất lượng; có y, bác sĩ phục vụ y tế chất lượng cao như Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, các phòng khám đa khoa tiêu chuẩn cũng đã có mặt ở Phú Quốc, đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên đảo. Quốc phòng được củng cố vững chắc; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được quan tâm và có chuyển biến tích cực...
- Phóng viên: Thời gian tới, để Phú Quốc tiếp tục phát triển tốt hơn, chúng ta cần tập trung thực hiện những công việc trọng tâm nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Thời gian tới, để Phú Quốc tiếp tục phát triển tốt hơn, chúng ta cần thực hiện một số công việc trọng tâm sau:
Thứ nhất, về chủ trương, chính sách:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về phát triển TP. Phú Quốc; đặc biệt là tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới theo Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18-6-2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt quy hoạch chung TP. Phú Quốc đến năm 2040 tại Quyết định số 150/2024/QĐ-TTg, ngày 6-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để định hướng, quản lý, đầu tư phát triển TP. Phú Quốc thời gian tới. Phát triển TP. Phú Quốc trở thành đô thị biển, đảo đặc sắc; trung tâm du lịch bền vững, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Nam đảo TP. Phú Quốc nhìn từ trên cao.
Ba là, tỉnh Kiên Giang tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết việc thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Qua gần 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, hầu như các mục tiêu, nhiệm vụ của quyết định đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, Phú Quốc có sự phát triển, tiến bộ vượt bậc. Song bên cạnh đó, cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là một số cơ chế, chính sách hiện áp dụng tại TP. Phú Quốc chưa đủ mạnh, đồng bộ, chưa tạo được bước đột phá ở tầm cao theo sự phát triển của Phú Quốc hiện nay.
Qua việc tổng kết thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, chưa được, những rào cản sự phát triển, qua đó tham mưu, đề xuất với Trung ương, Chính phủ tiếp tục có chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách có tính vượt trội để Phú Quốc phát triển ở tầm cao hơn.
Thứ hai, về nguồn lực: Tập trung đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của Phú Quốc.
Ưu tiên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp để đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Phú Quốc, đặc biệt là xây dựng đô thị thông minh, đầu tư hạ tầng cấp thiết như hệ thống nước sinh hoạt, xử lý nước thải, rác thải...
Thứ ba, về công tác quản lý, điều hành: Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị TP. Phú Quốc trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền thành phố đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ. Tất cả vì mục tiêu hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong tiến trình phát triển TP. Phú Quốc trong tương lai cần quan tâm xây dựng chính quyền điện tử nhằm thu hút người dân tương tác với chính quyền, tham gia vào công việc của thành phố, mục tiêu lấy người dân là trung tâm cung cấp dịch vụ công. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hỗ trợ hoạt động của chính quyền có thể đạt được các mục tiêu giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ công, tích hợp dữ liệu, lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Thứ tư, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cho thành phố phát triển. Tăng cường liên kết, hợp tác trong khu vực và quốc tế để thúc đẩy Phú Quốc phát triển năng động hơn. Tranh thủ tốt sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (kể cả ngoài nước) tích cực đóng góp cho sự phát triển của Phú Quốc.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: