20/03/2023 15:15
Theo bản thuyết trình của phòng 1, Bộ Tổng Tham mưu ngụy Sài Gòn, từ ngày 10-2-1965 về trước, những phần tử vũ trang của cách mạng bị bắt chúng coi là những phần tử phiến loạn, chưa được công nhận là tù binh chiến tranh. Mặc dù được hưởng chế độ tù binh về danh nghĩa nhưng chúng vẫn coi là phiến loạn cộng sản.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn hội nghị Paris để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Từ ngày 24-8-1968 trở đi, theo huấn thị của Bộ Quốc phòng ngụy buộc chúng phải chính thức công nhận những phần tử vũ trang của cách mạng bị bắt là tù binh được hưởng các quy chế về tù binh. Việc được công nhận tên gọi Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc cũng là cả quá trình đấu tranh đẫm máu của những chiến sĩ cách mạng.
Khoảng cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ, ngụy cho xây dựng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc tại thung lũng An Thới, phía nam Phú Quốc. Các khu của trại giam với gần 500 ngôi nhà ở, nơi làm việc của bọn chỉ huy, điều hành, lính quân cảnh giữ trại giam… đều được xây dựng hai bên con đường 46, từ dốc miếu Cô Sáu đến Cầu Sấu, trên đoạn đường dài 5km và trên diện tích gần 400ha.
Toàn cảnh Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Ảnh: TÂY HỒ.
Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc được thành lập, Mỹ, ngụy tập trung giam giữ số lượng lớn nhất những người yêu nước cầm súng chống lại chúng. Chúng nghĩ rằng đảo Phú Quốc nằm giữa biển khơi, cách biệt đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng, có thể hạn chế những cuộc đấu tranh của tù binh, dễ canh giữ, dễ đàn áp hơn ở đất liền, dễ bưng bít dư luận, tránh những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế những cuộc vượt ngục. Với ý nghĩ ấy, chúng gây ra muôn vàn tội ác, trời không dung, đất không tha. Nhiều hình phạt, cách tra tấn tù nhân dã man, khốc liệt hơn thời trung cổ. Do đó, Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc được mệnh danh là địa ngục trần gian. Đó là bằng chứng về tội ác tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ, ngụy.
Trong Trại giam tù binh Phú Quốc có nhiều thành phần khác nhau. Có những người bị Mỹ, ngụy bắt được qua các cuộc chiến đấu hoặc các cuộc hành quân càn quét trên chiến trường miền Nam. Có những người thật sự cầm súng chống lại chúng thuộc quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích có quê quán hầu hết khắp các tỉnh, thành của cả hai miền Nam, Bắc nước ta, trong đó có khoảng 9.000 người từ miền Bắc, khoảng 3/4 tù binh quê các tỉnh miền Nam.
Đặc biệt có hơn 2.000 sĩ quan, hạ sĩ quan, trên 100 tù nhân là cán bộ có trình độ chính trị trung cấp, sơ cấp, trong đó có 10 tỉnh ủy viên, 50 huyện ủy viên, 200 chi ủy viên, có nhiều sĩ quan quân đội từ thượng tá đến thiếu úy…
Trong Trại giam tù binh Phú Quốc có một thành phần đặc biệt đó là đại đức Thích Viên Hảo - trụ trì chùa Tam Bảo, đường Lò Siêu, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Tháng 7-1968, sau đợt 2 Mậu Thân, địch lùng sục vào chùa bắt gặp vũ khí và một số quân trang, quân dụng nên chúng bắt đại đức lấy cung, tra tấn, đánh đập, sau đó chúng đẩy ra Trại giam tù binh Phú Quốc.
Trại giam có 12 khu mang tên từ khu 1 đến khu 12. Riêng khu 13 và 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có khả năng chứa khoảng 3.000 tù nhân. Năm 1972, trại giam có khoảng 36.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu. Bình quân 1 khu có 4 phân khu, một phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan tù binh, ngoài ra còn có một khu tù hình sự giam giữ những tù nhân bị địch kêu án từ 10 năm trở lên.
Mỗi phân khu chiếc dài 150m, rộng 50m, có 9 phòng cho tù binh ở, chia thành 3 dãy nhà đánh số từ phòng số 1 đến số 9. Phòng cách phòng, dãy cách dãy khoảng 5m. Riêng phân khu đôi, số phòng giam bằng 2 phân khu chiếc.
Du khách tham quan Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Ảnh: TÂY HỒ.
Việc xây dựng trại giam và bố trí ngăn cách các phân khu và phòng giam của địch rất chặt chẽ. Xung quanh mỗi phân khu có nhiều lớp hàng rào, dây kẽm gai được đan cột dày đặc. Giữa các lớp kẽm gai là 3 lớp bùng nhùng, 2 lớp nằm dưới đất, 1 lớp nằm chồng lên. Bên trong và bên ngoài hàng rào dây kẽm gai lại có 2 hoặc 3 lớp bùng nhùng nữa. Giữa các lớp rào có hệ thống trái sáng.
Xung quanh phân khu, bên trên các lớp rào có đèn điện chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Giữa các lớp kẽm gai và bùng nhùng có đường đi thông suốt xung quanh để tiện kiểm tra và ban đêm thả chó becgie hoặc ngỗng đi tuần tra.
Để canh gác trại giam, xung quanh mỗi khu có một pháo đài canh gác, có đặt súng đại liên. Tại cổng chính trại giam có 2 vọng gác, 1 vọng tổng kiểm soát đốc canh, 2 giờ thay phiên canh gác 1 lần, 2 xe quân sự tuần tra liên tục 24/24 giờ.
Lực lượng canh giữ trại giam có 4 tiểu đoàn quân cảnh làm nhiệm vụ canh giữ tù binh là tiểu đoàn 7, 8 ,9 và 14. Có lúc chúng tăng cường thêm 1 đại đội của tiểu đoàn 5. Chỉ huy các tiểu đoàn trực tiếp nhận lệnh từ bộ chỉ huy trại giam.
Mỗi tiểu đoàn quân cảnh phụ trách 3 khu giam. Mỗi đại đội phụ trách 1 khu và đại đội trưởng kiêm chức trưởng khu giam. Quân cảnh có nhiệm vụ canh gác không cho tù binh vượt ngục, không cho tù binh đấu tranh đòi cải thiện đời sống. Quân cảnh là lực lượng chủ yếu của địch thực hiện âm mưu tiêu diệt thể xác và tinh thần của tù binh. Lính quân cảnh được bố trí trong các nhà mái tole hay nhà bạt dựng lên phía trước và sau khu trại giam tạo thành vành đai canh giữ không cho tù binh vượt ngục.
Ở mỗi liên phân khu có 6 chòi cao, ngày đêm lúc nào cũng có lính quân cảnh canh gác. Ban đêm, lính quân cảnh tuần tra giữa các hàng rào dây kẽm gai. Mỗi đêm chúng vào điểm danh trong phòng ngủ của tù binh.
Ngoài lực lượng quân cảnh còn có tiểu đoàn bảo an 505 đóng gần Cầu Sấu và một lực lượng hải quân đông đảo ở phía nam đảo Phú Quốc lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ quân cảnh trong việc ngăn chặn bộ đội ta từ ngoài đột nhập vào khu vực trại giam cũng như truy kích tù binh vượt ngục.
Điều khiển Trại giam tù binh Phú Quốc là bộ chỉ huy. Lúc đầu do một thiếu tá quân cảnh làm chỉ huy trưởng. Về sau, tù binh và quân cảnh ngày càng đông nên chỉ huy trưởng là sĩ quan quân cảnh cấp bậc cao hơn như trung tá Nguyễn Hữu Phước, trung tá Phan Ngọc Thủy, trung tá Bùi Bằng Dực, đại tá Trần Vĩnh Đắc…
Về ban giám thị trại giam có 1 tổng giám thị là sĩ quan cấp trung úy hay đại úy đứng đầu và một số nhân viên. Ban giám thị có một hệ thống chân rết xuống đến các phân khu. Mỗi khu có 1 trưởng giám thị là sĩ quan cấp thiếu úy, chuẩn úy hoặc hạ sĩ quan cấp thượng sĩ nếu làm việc đắc lực. Mỗi phân khu có 2 hạ sĩ quan quân cảnh, thường là cấp trung sĩ làm giám thị trực tiếp điều hành công việc hàng ngày.
Tất cả giám thị và quân cảnh đều có quyền phạt vạ, đánh đập tù binh. Tuy nhiên, giám thị nắm quyền điều hành ở các phân khu, hàng ngày ở bên cạnh tù binh nên chúng đánh đập, hành hạ tù binh nhiều hơn, đồng thời bày ra nhiều hình phạt dã man nhằm hủy diệt tinh thần và thể xác của anh em tù binh.
Trong số giám thị, quân cảnh ác ôn có những tên nổi tiếng như trung úy Hiển - trưởng ban giám thị kiêm trưởng ban an ninh, thiếu úy Dốc - trưởng giám thị khu 6, đặc biệt là thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu (tức Bảy Nhu) - tên cai ngục tàn ác bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
TRƯƠNG THANH NHÃ
(KGO) - Theo Bộ Công thương, 9 tháng năm 2024, 9/20 tỉnh, thành có mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 8,6%) như Trà Vinh 44,56%; Bình Phước 16,9%; Kiên Giang 13,67%... Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của vùng như dệt, may mặc, giày dép các loại, thủy sản đông lạnh, xay xát, lau bóng gạo…
Tổng số lượt truy cập: