29/08/2024 08:48
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 28-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành và các thành viên Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu là phải gỡ được thẻ vàng EC sau đợt thanh tra lần thứ 5 này. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương liên quan, lực lượng chức năng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, giám sát, quản lý chặt chẽ đội tàu, không để vi phạm IUU và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.
Hai là, rà soát, phân loại, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật của Nhà nước về IUU theo tinh thần vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự phải xử lý hình sự.
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc tận cùng các sai phạm, sai phạm ở đâu, sai phạm chỗ nào, trách nhiệm của ai trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nào, căn cứ vào những quy định pháp luật xử lý nghiêm đúng người, đúng việc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu tại hội nghị về công tác xử lý vi phạm khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu địa phương nào không có sự chuyển biến về chống khai thác IUU trong thời gian tới, tiếp tục để xảy ra các sai phạm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 32- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết, xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ; bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 5, nỗ lực quyết tâm gỡ thẻ vàng EC.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, triển khai cao điểm, huy động nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài; tăng cường lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm vừa tuyên truyền, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.
Các địa phương cần áp dụng triệt để các quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, ngày 12-6-2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, để xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến khai thác IUU.
Lực lượng biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 7 năm chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả: Hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase), kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước… EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp Trung ương.
Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số nhiệm vụ chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023. Tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng hơn so với trước. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 55 tàu với 378 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 21 tàu, 139 ngư dân so cùng kỳ năm 2023.
Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành, hiện cả nước còn 14.585 tàu “3 không”; tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.
Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển, xuất nhập bến, ra vào cảng tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định; sản lượng thủy sản khai thác được giám sát phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc tỉ lệ còn rất thấp. Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết thời gian tới, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 trên 7%, tăng trưởng quý 4 khoảng 7,5%-8%.
Tổng số lượt truy cập: