01/06/2023 15:35
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: THÙY TRANG
Năm 2022, tỉnh Kiên Giang không bị ảnh hưởng trực tiếp bão, áp thấp nhiệt đới nhưng chủ yếu bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây gió mạnh, mưa lớn, lốc, sét ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy tỉnh Kiên Giang, năm 2022, thiên tai làm 5 người chết, 4 người bị thương, sập 122 căn nhà, tốc mái 522 căn nhà, làm chìm 36 phương tiện đánh bắt thủy sản và thiệt hại nhiều tài sản khác của Nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh; ước thiệt hại về vật chất khoảng 17 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm sập 12 căn nhà, tốc mái 40 căn nhà, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng.
Năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và gió mùa tây nam hoạt động mạnh, sóng biển dâng cao đã là sạt lở nghiêm trọng hơn 342m đê biển thuộc khu vực ấp Mũi Dừa, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang); đứt đoạn đê chiều dài 30m thuộc địa bàn xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang).
Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Kiên Giang, sự chủ động của các địa phương và cộng đồng, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 đạt kết quả toàn diện, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
UBND tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trên 1,32 tỷ đồng, cấp kinh phí khắc phục sạt lở bờ biển trên 1,446 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai.
Dân quân tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả mưa dông làm sập nhà tại xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: THU HƯƠNG
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, 6 tháng cuối năm 2023, sẽ có từ 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Dự báo đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2023, ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 1 khoảng 10cm và thấp hơn trung bình nhiều năm.
Mực nước đỉnh lũ cao nhất tại các trạm nội đồng Kiên Giang khả năng xuất hiện cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Mùa khô 2023-2024 dự báo sẽ đến sớm và xảy ra tình trạng thiếu nước và mặn xâm nhập khốc liệt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đề nghị ban chỉ huy các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó hiệu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn một cách cụ thể, chi tiết và phù hợp điều kiện thực tế tại từng địa phương.
Ban chỉ huy các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước và mặn xâm nhập giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn để huy động nhân lực, phương tiện và trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các sở tài chính, kế hoạch - đầu tư, giao thông vận tải, xây dựng... căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
UBND huyện Kiên Lương (Kiên Giang) theo dõi chặt chẽ tình hình mặn xâm nhập khu vực đập ngăn mặn T3 - Hòa Điền trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó.
THÙY TRANG
(KGO) - Đến ngày 14-12-2024, mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi (từ chương trình 120.000 tỷ đồng) trên cổng thông tin điện tử.
Tổng số lượt truy cập: