25/04/2024 13:43
Chiến dịch giải phóng hoàn toàn huyện An Biên (Kiên Giang) là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân huyện An Biên nói riêng và tỉnh nói chung. Trải qua 70 năm, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, huyện An Biên nay vươn mình phát triển thành huyện nông thôn mới với nhiều khởi sắc.
CHIẾN CÔNG OANH LIỆT
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, nhân dân ta sống trong hòa bình, tự do, độc lập không được bao lâu thì đến ngày 23-9-1945 thực dân Pháp dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta, đẩy nhân dân ta bước vào thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp trước muôn vàn khó khăn, gian khổ. Tháng 3-1946, quân Pháp tập trung khoảng 2.000 quân tấn công vào An Biên. Toàn bộ chợ Thứ Bảy và các cơ quan của quận An Biên bị giặc đốt. Chúng đóng đồn bót dày đặc, riêng vùng Miệt Thứ, giặc Pháp cắm một tuyến đồn bót dọc theo kênh xáng Xẻo Rô, tại Thứ Mười Một xây dựng một căn cứ lớn, tại Thứ Ba xây dựng quận lỵ.
Tháng 4-1946, Ban Cán sự Đảng quận An Biên bí mật được củng cố, do đồng chí Phan Công Cương làm bí thư. Nhiệm vụ của Huyện ủy lúc bấy giờ là củng cố hệ thống Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, mở rộng Mặt trận thu hút các tầng lớp nhân dân và xây dựng các đoàn thể đủ sức huy động quần chúng tích cực tham gia vào mọi mặt kháng chiến cùng cả nước chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây chủ trương mở một đợt hoạt động vào quận An Biên và những vùng xung quanh nhằm tiêu diệt, làm tan rã tổ chức của địch; hoạt động tác chiến kết hợp với địch, ngụy vận để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.
Đường vào trung tâm huyện An Biên.
Mở màn cho chiến dịch, ngày 7-2-1954, địa phương quân và dân quân du kích huyện An Biên phối hợp đơn vị đặc công và một bộ phận của Tiểu đoàn 307, Đại đội 552 của Bạc Liêu vừa bao vây cứ điểm Xẻo Rô vừa tấn công vào Thứ Ba, diệt và phá rã một số tề, lính, bắt sống tên quận trưởng Thái Ngươn Sáng. Phát huy đà thắng lợi, phong trào du kích chiến tranh ở An Biên tiếp tục phát triển. Các lực lượng của ta phối hợp chặt chẽ, liên tục bao vây, tấn công quận lỵ Thứ Ba và các đồn bót dọc tuyến kênh xáng Xẻo Rô; tổ chức phục kích, vây ép, đẩy mạnh tuyên truyền “địch, ngụy vận”; ngăn chặn nhiều đợt tấn công chi viện của địch làm cho địch tổn thất nặng nề. Trong chiến thắng Bàu Môn, ta tiêu diệt, bắt sống hơn 300 tên; thu toàn bộ vũ khí và trang bị của địch. Đây là tiền đề quan trọng để quân và dân An Biên tiếp tục bao vây, uy hiếp, hạ quyết tâm tiêu diệt các cứ điểm còn lại của địch trên vùng đất Miệt Thứ.
Đến ngày 25-4-1954, cứ điểm cuối cùng của địch trên vùng đất Miệt Thứ bị tiêu diệt, huyện An Biên sạch bóng quân thù. Ngày 28-4-1954, Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh huyện tổ chức lễ mừng thắng lợi với trên 3.000 người tham dự. Chiến dịch giải phóng hoàn toàn huyện An Biên thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân huyện An Biên nói riêng và tỉnh nói chung. Sự kiện là minh chứng cụ thể về lòng yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, để lại bài học kinh nghiệm về phương pháp đấu tranh, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược.
DIỆN MẠO MỚI SAU 70 NĂM GIẢI PHÓNG
Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, sau 70 năm giải phóng, An Biên đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể. Từ một huyện vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, có xuất phát điểm thấp, giao thông nhiều khó khăn, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, từ đó tạo nên diện mạo mới của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 1994, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện An Biên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2024, huyện An Biên được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên ngày càng nâng lên. Đến nay, đảng bộ có 46 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với tổng số 3.748 đảng viên, chiếm 3,18% dân số. Đời sống người dân nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên 57 triệu đồng/năm, tăng hàng chục lần so năm 1986; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,03%. Diện mạo nông thôn của huyện khởi sắc với 100% đường ô tô từ huyện về trung tâm xã, trục ấp liền ấp được bê tông hóa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Hạ tầng cung cấp điện, nước sinh hoạt được huyện chú trọng với 99,92% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 99,70% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhiều công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất cho người dân. Các xã có điểm trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ phát triển, làm thay đổi diện mạo của vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Một góc khu hành chính huyện An Biên.
Văn hóa - xã hội của huyện chuyển biến tích cực. Chất lượng dạy và học nâng lên hàng năm. Toàn huyện có 45 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 33 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân tốt hơn. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện tốt. Công tác tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 72,34%. Lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được chú trọng, tăng cường; tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho huyện phát triển vững chắc.
Phát huy truyền thống anh hùng và kết quả đạt được, thời gian tới Đảng bộ huyện An Biên tập trung xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác giáo dục lịch sử địa phương; triển khai quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện chú trọng quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ kế thừa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt trận, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, gắn chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới; từng bước hoàn thiện các tuyến đường kết nối quốc lộ 63 với các xã ven biển và vùng phụ cận, cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện tập trung chăm lo tốt đời sống cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng khu vực phòng thủ của huyện ngày càng vững chắc; quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
NGUYỄN CÔNG TRẬN - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: