17/07/2023 13:55
Theo Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Kiên Giang được giao chỉ tiêu thực hiện 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2022-2025 là 1.700 căn và giai đoạn 2026-2030 là 1.800 căn.
Tỉnh Kiên Giang có 2 dự án nhà ở xã hội đang triển khai gồm nhà ở xã hội khu đô thị Tây Bắc TP. Rạch Giá (Kiên Giang), quy mô 1.011 căn, đã xây dựng xong 715 căn, bàn giao cho khách hàng 100 căn; dự án nhà ở xã hội khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) quy mô 1.327 căn.
Theo sàn giao dịch bất động sản Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang, đến tháng 6-2023, có 700 hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại khu đô thị Tây Bắc TP. Rạch Giá được Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang phê duyệt, trong đó gần 80% khách hàng có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang để mua nhà.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá (Kiên Giang) do CIC Group làm chủ đầu tư có giá bán khoảng 1,5 tỷ đồng/căn.
Vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở nằm trong 5 chương trình cho vay của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, người vay vốn mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, thời hạn vay tối đa lên đến 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Đến tháng 6-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang giải ngân cho 403 khách hàng vay 244,5 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, dư nợ còn lại 210,2 tỷ đồng.
Qua khảo sát tại khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang), nhiều công nhân cho biết họ mong mua được nhà ở xã hội với giá từ 400-500 triệu đồng/căn hoặc thuê với giá từ 500.000-600.000 đồng/tháng là phù hợp.
“Lương công nhân của tôi 5-6 triệu đồng/tháng. Tiền nhà trọ hết 1 triệu đồng/tháng, còn lại vừa đủ tiền ăn uống, sinh hoạt, cho con đi học. Nhà ở xã hội có giá 1,5 tỷ đồng/căn như một dự án tại tỉnh đang bán là rất cao so mặt bằng thu nhập của công nhân”, chị Nguyễn Thị Thuận - công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ngành hàng may mặc nói.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá (Kiên Giang) do CIC Group làm chủ đầu tư.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 100.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó tại các khu công nghiệp gần 15.000 người lao động. Nhu cầu về nhà ở với giá phù hợp thu nhập công nhân, người lao động luôn là vấn đề được đề cập tại các cuộc đối thoại của cấp ủy, chính quyền của tỉnh.
Theo kế hoạch thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của UBND tỉnh Kiên Giang, các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Ông Trần Quang Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang nói: “Các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế, các bước thực hiện thủ tục đầu tư còn phức tạp. Ngoài ra, giá nhà ở xã hội còn khá cao so mặt bằng thu nhập của người dân và mức phát triển của kinh tế thị trường. Công ty mong tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi hơn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, giúp người dân có điều kiện sở hữu nhà ở, an cư lạc nghiệp”.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu được giao về nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, tỉnh đã quy hoạch khu nhà ở công nhân và tái định cư Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành có quy mô 604.369m2, trong đó 233.996m2 dùng cho việc đầu tư nhà ở gồm nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, nhà ở cho người dân.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hữu Sương cho biết: “Hiện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chưa chọn được nhà đầu tư do kinh phí thực hiện dự án quá lớn. Dự án khu công nghiệp của tỉnh đều có quy hoạch khu nhà ở cho công nhân, tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu như bồi thường, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khá lớn trong khi chưa có cơ chế khuyến khích hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội nên kêu gọi đầu tư gặp khó”.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Sương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện nhà ở xã hội, tỉnh Kiên Giang cần đưa dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh, có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư bằng cách dùng ngân sách địa phương lập dự án tiền khả thi, giải phóng mặt bằng có đất sạch trước khi thực hiện đấu thầu dự án.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: