22/04/2023 19:34
Đoàn công tác BMZ đến thăm hợp tác xã Kênh 7A, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).
Đoàn công tác đã đến thăm dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) tại hợp tác xã Kênh 7A, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp.
Đoàn có buổi trao đổi thảo luận với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn về tiến độ thực hiện dự án Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
Kinh tế chủ lực của Kiên Giang là kinh tế nông nghiệp, với 71% người dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Do đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân.
Thời gian qua, BMZ đã hỗ trợ cho Kiên Giang nhiều dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyển đổi tổ chức sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường. Trong đó, dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh GIC được triển khai tại địa phương đã thấy rõ việc hỗ trợ đã phát huy tác dụng đối với chuyển đổi sản xuất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Các hoạt động trong khuôn khổ dự án GIC, gồm: Tăng cường tổ chức của tổ hợp tác, đẩy mạnh thực hành nông nghiệp tốt, cung cấp các chương trình bổ sung giúp cải thiện các mô hình tổ chức nông dân và kỹ thuật canh tác; hỗ trợ chứng nhận SRP, hữu cơ, liên kết nông dân với đơn vị thu mua về lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, hữu cơ; xây dựng các mô hình đổi mới sáng tạo để nông dân sản xuất hiệu quả hơn.
Dự án bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức. Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình nhằm đạt được các mục tiêu gồm phòng, chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển ....
Dự án sẽ góp phần thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ đê biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đồng ruộng (khoảng 298.500ha nuôi trồng thủy sản và 55.900ha đất trồng lúa tại 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau), ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khoảng 18.000 người dân của 6 huyện trên 14 xã được hưởng lợi...
Ông Andreas Foerster - Vụ trưởng, Bộ Kinh tế và Hợp tác phát triển Liên bang Đức phát biểu tại buổi thảo luận.
Tại Kiên Giang, dự án tập trung ưu tiên 3 hạng mục chính là: Xây dựng và củng cố đê biển kết hợp đường giao thông cấp 4, xây dựng kè chắn sóng phòng hộ, chống sạt lở tạo bãi bồi trồng rừng; rà soát, quy hoạch phân vùng ven biển, trồng rừng mới và trồng cây xanh, nhằm tăng tối đa đai rừng phòng hộ ven biển; nhân rộng các mô hình sinh kế cho người dân vùng ven biển để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, dự án sẽ đóng khoản vay vào thời điểm ngày 31-12-2025, trong khi đó có những hoạt động của dự án không thể triển khai và nghiệm thu trong thời gian ngắn như hoạt động trồng rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Andreas Foerster - Vụ trưởng, Bộ Kinh tế và Hợp tác phát triển Liên bang Đức khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn đã gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác, các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp quý báu cho tỉnh, ngành nông nghiệp để từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, bày tỏ mong muốn BMZ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng với tỉnh Kiên Giang trong nhiều dự án khác trong thời gian tới.
Tin và ảnh: GIA BẢO
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: