25/03/2023 17:36
SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ VÀ LÒNG TIN
Khác với cuộc chiến đấu ngoài mặt trận, cuộc đấu tranh trong Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là cuộc đấu tranh trong một môi trường hoàn toàn mới và không cân sức.
Một bên bọn địch có sự chỉ huy chặt chẽ của hệ thống cai trị tù binh và vũ khí trang bị hiện đại với sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ; một bên là tù binh tay không tấc sắt, sống biệt lập ngoài biển khơi, xa tổ chức, không có nhân dân che chở... Họ chỉ có sức mạnh của ý chí, lòng tin vào lý tưởng của mình, lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Theo ông Mai Văn Bé (sinh năm 1949) - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang, mục tiêu trước tiên, quan trọng nhất của tù binh trong cuộc chiến đấu tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là bảo vệ sinh mạng chính trị, lý tưởng của mình, “Để khi trở về với cách mạng có thể tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp cao đẹp mà mình theo đuổi”, ông Bé nhấn mạnh.
Mục tiêu thứ hai trong đấu tranh của tù binh là đòi quyền sống của con người theo Công ước Genève về tù binh, chống đánh đập, bắn giết và đòi cải thiện đời sống của tù binh, đòi cấp phát đầy đủ lương thực, thực phẩm, đòi thuốc men chữa bệnh và đòi để cho anh em được tổ chức sinh hoạt văn nghệ, học văn hóa.
Bị giam trong ngục tù, mất tự do, tù binh luôn tìm mọi cách để vượt ngục trở về với đồng đội, vì vậy mục tiêu đấu tranh thứ ba của tù binh là tìm mọi cách trở về với cuộc sống tự do tiếp tục sự nghiệp chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Ông Mai Văn Bé bị thương và bị bắt trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Địch giam ông ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đến khi được trao trả năm 1973.
Từ khi bị bắt vào tù, ông bắt đầu nghĩ đến việc móc nối với tổ chức Đảng trong khu giam giữ; đồng thời ông đứng ra xây dựng lực lượng trong tù. “Tôi chủ động tìm mọi cách để liên lạc với đảng viên và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh”, ông Bé kể.
Ông tham gia nhiều cuộc đấu tranh và từng đứng đầu một chi bộ trong khu giam giữ, lãnh đạo đảng viên và quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi.
“Tôi nhớ như in, năm 1969, Đảng ủy khu B6 lãnh đạo anh em đấu tranh. Địch xả súng vào chúng tôi, làm chết nhiều anh em đồng đội. Tôi may mắn không trúng đạn nhưng bị chúng đưa vào danh sách đen, mang đi tra tấn đến thập tử nhất sinh”, ông Bé nhớ lại.
Ông bị địch tra tấn, đánh đập trong nhiều ngày, biệt giam hơn 1 tháng, sau đó nhốt vào chuồng cọp. Tuy nhiên khi vừa được thả ra, ông lại tiếp tục xây dựng lực lượng đấu tranh đến ngày được trả tự do.
TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỊCH
Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1968, lúc này lực lượng tù binh chưa nhiều, tổ chức Đảng đang được củng cố.
Một mặt, trên chiến trường địch liên tục thất bại, nhất là trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 nên chúng đánh tù binh để trả thù và uy hiếp tinh thần nhằm hạn chế tù binh nhân cơ hội này đấu tranh.
Mặt khác, địch tổ chức đợt cưỡng ép chiêu hồi nên phong trào đấu tranh của tù binh tổ chức chưa vững mạnh, mục tiêu đấu tranh chỉ ở mức đòi cải thiện đời sống khá hơn và tinh thần đấu tranh có phần sa sút, một số cuộc đấu tranh bị tổn thất nặng nề như ở các phân khu tù binh C8 và C6.
Từ cuối năm 1969 đến cuối năm 1970 trở về sau, lực lượng tù binh được tổ chức mạnh hơn, phong trào đấu tranh của tù binh nổ ra liên tục và mạnh mẽ, quyết liệt, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh thu được thắng lợi lớn như đòi không làm những công việc có tính chất quân sự và khổ sai, nô dịch, chống phạt vạ, chống đánh đập, chống cưỡng ép chiêu hồi. Đảng ủy, chi ủy ở các khu trại giam luôn đứng mũi chịu sào đề ra giải pháp cụ thể để lãnh đạo tù binh đấu tranh.
Theo nhiều tù binh là đảng viên, địch giam tù binh tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc theo các phân khu độc lập, ở cách ly, tù binh chỉ liên hệ được với nhau trong từng phân khu.
Vì vậy, hệ thống tổ chức Đảng ở trại giam cũng tổ chức chủ yếu theo từng phân khu, tức là mỗi phân khu tổ chức một đảng bộ độc lập. Đó là tổ chức cơ sở của Đảng do đảng ủy hoặc liên chi ủy lãnh đạo, dưới đảng ủy là các chi bộ trực thuộc.
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc không tổ chức đảng ủy toàn trại giam. Hiện Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày đã tổng hợp được danh sách một số đồng chí là đảng ủy, chi ủy các phân khu hiện sinh sống tại một số tỉnh, thành phố trong nước.
Ông Mai Văn Bé (bìa phải) - Trưởng Ban liên lạc tù chính trị - tù binh tỉnh Kiên Giang gặp gỡ, ôn lại quá trình đấu tranh với đồng chí, đồng đội từng cùng hoạt động cách mạng.
“Không phải tất cả đảng viên đều được tập hợp ngay vào tổ chức Đảng mà phải qua tìm hiểu, xác minh lý lịch với các tiêu chuẩn cụ thể thông qua 5 cách như thông qua quen biết ở ngoài đời cùng công tác với nhau trước khi bị địch bắt; thông qua đồng hương và sinh hoạt đồng hương; thông qua việc lúc đầu bị địch bắt cùng một lần, ở chung một phân khu giam và đã qua sinh hoạt Đảng ở nhà lao trong đất liền; thông qua thái độ với địch, với anh em tù binh; thông qua các cuộc đấu tranh với bọn giám thị, quân cảnh và trật tự”, ông Mai Văn Bé cho biết.
TAY KHÔNG BẮT LÍNH
Mặc dù là những người bị mất tự do, trong tay không có vũ khí nhưng các tù binh vẫn dũng cảm đấu tranh.
Cuối năm 1969, tình hình ở phân khu A10 căng thẳng. Địch cài vào các khu giam giữ một số tên làm trật tự, mật báo. Đảng ủy phân khu họp và thống nhất phải đấu tranh tuyệt thực với nhiều yêu sách.
Đảng ủy dự kiến cuộc tuyệt thực có thể kéo dài, địch có thể sẽ cho quân cảnh vào đàn áp, anh em có thể hy sinh nên phải chuẩn bị kỹ về tinh thần, đồng thời chuẩn bị một số cơm khô và nước uống cho người bị bệnh, sức khỏe kém.
Lúc đầu, đại diện tù binh đưa ra yêu sách, địch không giải quyết. Các tù binh tuyên bố tuyệt thực và tất cả đều ở trong phòng, giữ im lặng. Đến ngày thứ 12, địch bỏ mặc không quan tâm và không đến giải quyết. Đảng ủy hội ý, phải có biện pháp mạnh hơn, diệt 4 tên mật báo hay cung cấp tin cho địch.
Theo kế hoạch, các tù binh diệt 4 tên mật báo rồi báo cho bọn giám thị rằng có 4 người chết vì bệnh. Bọn quân cảnh đến đề nghị cho đưa xác ra ngoài phân khu để đi chôn nhưng các tù binh đòi giải quyết các yêu sách mới cho đem xác ra.
Địch dùng một trung đội quân cảnh xông vào lấy xác nhưng đảng ủy lãnh đạo đảng viên và tù binh quyết tâm chống lại. Địch đàn áp bằng cách ném lựu đạn cay vào phòng giam, tù binh phải dùng khăn thấm nước tiểu bịt mũi, nhặt lựu đạn cay ném trả lại.
Bọn quân cảnh tiếp tục xông vào đánh. Tù binh đánh lại và bắt giữ 1 tên trung sĩ, những tên quân cảnh còn lại vội chạy ra ngoài. Tuy vậy, bọn chỉ huy vẫn ngoan cố không chịu giải quyết yêu sách của đảng ủy đưa ra.
Đảng ủy phân khu tiếp tục hội ý phải tìm cách giải quyết để đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi vì nếu cuộc đấu tranh đã đến giai đoạn này mà còn thất bại, địch tiếp tục đàn áp, không chịu nhượng bộ, làm cho các cuộc đấu tranh sau này càng quyết liệt, khó khăn hơn và thất bại lần sau nặng nề hơn.
Đến ngày thứ 14, đảng ủy quyết định đẩy cuộc đấu tranh lên cao hơn là vận động một người tự nguyện mổ bụng tự sát để tỏ rõ quyết tâm của tù binh quyết đấu tranh đến cùng, không sợ chết.
Ý kiến vừa đưa ra lập tức được các tù binh hưởng ứng, ông Nguyễn Văn Đồng, hiện ngụ phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) tự nguyện nhận mổ bụng đòi địch giải quyết và được đảng ủy chấp nhận.
Sau khi thống nhất chủ trương hành động, đảng ủy lãnh đạo tù binh kéo ra sân.
Ông Đồng tách ra khỏi hàng đứng giữa sân, nói thật to cho bọn địch nghe: “Đề nghị bộ chỉ huy đến giải quyết yêu sách của anh em, nếu không tôi sẽ mổ bụng tự tử”.
Nói xong, ông vạch áo, lấy dao rạch một đường dài trên bụng, máu tuôn ra xối xả và ruột lòi ra ngoài. Anh em lập tức la lên và chạy lại vừa đỡ ông Đồng, vừa kêu la đòi bộ chỉ huy giải quyết.
Bọn quân cảnh báo cáo về bộ chỉ huy. Tên trung tá trưởng trại giam đến, hắn tuyên bố chấp nhận các yêu sách của anh em, đề nghị anh em đưa ông Đồng băng bó vết thương.
Suốt những năm tháng tồn tại của Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, tổ chức Đảng tìm mọi cách tổ chức sinh hoạt Đảng, kết nạp đảng viên, dạy học, sáng tác thơ ca, sinh hoạt văn nghệ...
Nhờ có Đảng lãnh đạo, các hình thức đấu tranh của các tù binh rất đa dạng từ đấu tranh trực diện, tuyệt thực, diệt mật báo, đấu tranh trước tòa án quân sự, chống bắt lính... đến đánh, bắt quân cảnh. Nhiều yêu sách của ta được địch chấp nhận, nhiều đợt đấu tranh thu được thắng lợi.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Sáng 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Tổng số lượt truy cập: