18/02/2024 07:00
Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế “cuộc chiến đấu mới” này phải kéo dài tới 10 năm (1979-1989) đầy ác liệt, mất mát, đau thương.
CẮT MÁU VIẾT ĐƠN TÌNH NGUYỆN CHIẾN ĐẤU
Năm nay 67 tuổi, ông Đào Thanh Hóa, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn không thể quên giây phút cùng các bạn học Trường Công Nông tỉnh Kiên Giang cắt máu viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào tháng 3-1979.
Ông Đào Thanh Hóa (bên phải), ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) kể lại khí thế sôi sục quyết tâm bảo vệ biên cương Tổ quốc của thanh niên Kiên Giang.
Ngày 5-3-1979, trong tình thế cấp bách chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 29 tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc.
Lời kêu gọi của Chủ tịch nước đã làm sôi sục quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ Kiên Giang lúc bấy giờ. Ông Hóa kể ông và khoảng 20 thanh niên Trường Công Nông tỉnh Kiên Giang đã cắt máu viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu.
Ông Hóa cùng các thanh niên trong tỉnh Kiên Giang được biên chế vào Tiểu đoàn 1 U Minh, rồi đưa ra Bắc bằng xe. Đến biên giới phía Bắc, ông Hóa được huấn luyện 4 tháng tại Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 6, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Từ năm 1973, ông Hóa được biên chế đóng quân ở Bắc Thái, nay là Thái Nguyên, sau lên Bắc Kạn. Tuy chưa quen khí hậu, địa hình đồi núi, nhưng ông Hóa luôn tích cực tham gia huấn luyện từ tập bắn, leo đồi, leo núi, cố gắng vượt qua cái lạnh 2-3 độ C.
“Chiến trường rất ác liệt, nên tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tôi chỉ có một suy nghĩ và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc là trên hết, dù cho có đổ xương máu, có hy sinh cũng không tiếc”, ông Hóa kể.
ÁC LIỆT TRÊN MẶT TRẬN HOÀNG LIÊN SƠN
Bàn chân phải bị xé đôi do bị trúng lựu đạn để lại thương tật vĩnh viễn trên người cựu chiến binh Đỗ Hùng Quân 67 tuổi, như một chứng tích lịch sử về sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ông Quân quê ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Cựu chiến binh Đỗ Hùng Quân kể lại sự ác liệt trên Mặt trận Hoàng Liên Sơn.
Vào năm 1979, ông Quân mang quân hàm chuẩn úy, là Trung đội trưởng Trung đội Trinh Sát, Tiểu đoàn 21 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn). Từ 20 giờ đêm 16-2, đơn vị trinh sát được lệnh lên huyện biên giới huyện Bát Xát, sau đó đơn vị tiến sát biên giới để nắm tình hình.
Rạng sáng 17-2, lớp lớp quân Trung Quốc vượt qua sông Hồng tràn về địa phận Việt Nam. Trong trí nhớ của ông Quân, quân Trung Quốc tràn qua rất đông, đó là “chiến thuật biển người”.
Các đơn vị của ta lúc đầu bị bất ngờ, bị động nhưng ngay sau đó đã kịp thời triển khai đội hình chiến đấu. Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ tổ chức đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng. Pháo binh ta vừa chi viện bộ binh vừa phản pháo các trận địa hỏa lực và bắn phá các điểm vượt sông của địch.
“Trên tất cả các trục tiến công của đối phương, lực lượng vũ trang của ta đã dũng cảm chiến đấu, tuy nhiên do tương quan quá chênh lệch nên không thể cản được đà phát triển của chúng, phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng”, ông Quân kể.
Đơn vị của ông Quân trấn giữ ở ga Phố Mới, thị xã Lào Cai, bám sát tình hình của đối phương và quả cảm chiến đấu. “Hai bên đánh giáp lá cà, lúc 8 giờ tối, tôi bị trúng lựu đạn và 4 đồng chí bị thương. Tôi nằm ở ga 1 đêm, đến 3 giờ chiều hôm sau gặp được hai thanh niên đội cứu thương chuyển về trạm pháo tiền phương”, ông Quân kể.
Ông Quân bị thương vào đêm 11-3-1979. Bị trúng lựu đạn bổ đôi bàn chân phải, tỷ lệ thương tật 31%, ông hiện là thương binh 4/4.
Ông Quân bị thương tật vĩnh viễn không thể tiếp tục ra chiến trường. Tháng 11-1979, ông chuyển về Cục Hậu Cần, Quân khu 2.
Đến năm 1990, ông Quân chuyển ngành về công tác tại Công ty Cầu đường Kiên Giang, thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang.
Sau khi nghỉ hưu, tháng 9-2019, ông được Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá nhờ “ra giúp địa phương” và ông tham gia công tác, là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Vĩnh Quang cho đến nay.
9 NĂM BẢO VỆ BIÊN GIỚI
Cựu chiến binh Lê Xuân Tình 68 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa; hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) bồi hồi, xúc động khi kể lại 9 năm nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Bắc với biết bao nguy hiểm, gian khó, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống để bảo vệ trọn vẹn biên cương Tổ quốc.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Tình bị vết thương của chiến tranh làm mất sức lao động và là thương binh 4/4.
Cựu chiến binh Lê Xuân Tình (bên phải) - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) kể về những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tháng 2-1978, ông Tình đang công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện nhập ngũ tại Trung đoàn 14 trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông được chuyển vào Nghệ An, biên chế Sư đoàn 337 huấn luyện để sang Lào chiến đấu.
Tháng 2-1979, diễn ra chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Tình trong đội hình Trung đoàn 14 nhận nhiệm vụ lập tức ra Lạng Sơn chiến đấu.
Tại Lạng Sơn, ông Tình đảm nhận Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực, Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Tiểu đội gồm 12 chiến sĩ, biên chế 2 khẩu đại liên và mỗi đồng chí 1 khẩu súng AK.
Ngay khi lên biên giới, đơn vị của ông Tình đã chiến đấu liên tục tại địa bàn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Pháo kích nhưng Tiểu đội hỏa lực quyết không lung lay ý chí, quyết tâm chiến đấu dù chỉ còn một chiến sĩ. “Đồng chí Tiểu đội phó bị pháo kích ngã xuống ngay trước mắt tôi khi chưa kịp ăn lương khô được cấp phát”, ông Tình nói với đôi mắt đỏ hoe khi nhớ về đồng đội.
Pháo kích liên tục, miểng đạn xẹt từ sau gáy qua hàm của ông Tình để lại vết thương còn hằn sâu trên gương mặt người cựu chiến binh kiên nghị khi kể về sự chiến đấu anh dũng của bản thân và đồng đội. Sau hơn 1 ngày chiến đấu liên tục, đến ngày 27-2-1979, ông Tình bị thương khi đội hình đang chiến đấu bên sườn đồi.
Sau này, ông Tình được cấp trên cho biết từ ngày 25-2 đến 27-2, tổng kết kết quả chiến đấu, Tiểu đội hỏa lực đã làm tốt nhiệm vụ, sử dụng lớn số lượng đạn, có khoảng 200 lính Trung Quốc đã bị tiêu diệt.
Trưa ngày 5-3-1979, giới cầm quyền Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân. Chiều cùng ngày, quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Song, từ ngày 6-3-1979, trong quá trình rút lui về nước, quân đội Trung Quốc đã vừa rút vừa đánh phá, gây thêm nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam ở vùng giáp biên giới.
Từ sau ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới. Phía Trung Quốc thường xuyên sử dụng pháo binh bắn phá và đưa bộ binh xâm nhập, tiến công đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Tại những nơi này, quân và dân ta đã kiên quyết chiến đấu, giành giật từng tấc đất Tổ quốc.
Khu vực bình độ 400 thuộc thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là một trong những nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Trận chiến đấu ở bình độ 400 vào ngày 16-5-1981 khiến ông Tình một lần nữa bị thương nặng.
“Nhiều chiến sĩ của ta đã bị sập hầm, què giò nhưng tất cả quyết gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc”, ông Tình kể.
Ông Tình chiến đấu đến năm 1987, chuyển ngành về Ty Thủy Lợi tỉnh Thanh Hóa. Năm 1990, gia đình ông chuyển về Kiên Giang sinh sống đến nay.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Tổng số lượt truy cập: