29/06/2023 19:01
Ảnh minh họa: Reuters
Khi Hội đồng vàng thế giới (WGC) công bố bản báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng đầu tiên cách đây 30 năm, nhu cầu của châu Á chiếm 45% tổng số của thế giới. Ngày nay, thị phần châu Á trong nhu cầu vàng toàn cầu đang đạt gần 60%.
Trung Quốc và Ấn Độ đã thúc đẩy “cuộc di cư” vàng về phương Đông này. WGC mô tả hai quốc gia này là “người siêu tiêu dùng” vàng. 30 năm trước, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng vàng hàng năm. Ngày nay, hai quốc gia chiếm gần 50% nhu cầu vàng.
Cuộc cách mạng vàng ở Ấn Độ bắt đầu từ thập niên 1990 khi những bước thay đổi chính sách của chính phủ giúp giải phóng thị trường. Năm 1992, nhu cầu vàng ở Ấn Độ chiếm 340 tấn. Vào năm 2022, con số đó đã tăng hơn gấp đôi lên 742 tấn.
Ấn Độ hiện được xếp hạng là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Vàng không chỉ là một thứ xa xỉ ở Ấn Độ. Ngay cả những người nghèo ở quốc gia châu Á này cũng cố gắng mua vàng. Theo một cuộc khảo sát năm 2018, cứ hai hộ gia đình ở Ấn Độ thì có một hộ gia đình mua vàng trong vòng 5 năm qua. Nhìn chung, 87% hộ gia đình trong nước sở hữu một lượng kim loại vàng quý giá. Ngay cả những hộ gia đình có mức thu nhập thấp nhất ở Ấn Độ cũng sở hữu một số vàng nhất định. Theo khảo sát, hơn 75% các gia đình trong 10% dân số nghèo nhất đã tìm cách mua vàng.
Người Ấn Độ có truyền thống mua và để dành vàng. Nói chung, các hộ gia đình Ấn Độ sở hữu khoảng 25.000 tấn vàng và con số đó có thể cao hơn vì nước này có “chợ đen” vàng rộng lớn. Thứ kim loại quý này đã bén rễ vào các nghi lễ cưới hỏi và tục lệ văn hóa của đất nước. Người Ấn Độ cũng coi trọng vàng như một phương tiện tích trữ của cải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nghèo. Hai phần ba nhu cầu vàng của Ấn Độ đến từ những khu vực này, nơi hầu hết người dân sống bên ngoài hệ thống thuế chính thức.
Một quỹ đạo tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc. Vàng cũng đóng một vai trò văn hóa quan trọng ở Trung Quốc, nhưng từ khoảng những năm 1950, người dân từng bị cấm mua vàng. Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế vào thập niên 1990 và thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải vào năm 2002. Trong vòng hai năm, thị trường vàng đã được tự do hóa hoàn toàn.
Mức tiêu thụ vàng hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần từ chỉ hơn 375 tấn vào đầu những năm 1990 lên mức cao kỷ lục 1.347 tấn vào năm 2013. Kể từ đó, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế đã giúp thúc đẩy nhu cầu vàng ở phương Đông. Như WGC giải thích, nhu cầu tăng vọt này không chỉ là biểu hiện của việc các nhà đầu tư Trung Quốc tự do mua vàng. Nó cũng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế bùng nổ, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mong muốn có một giải pháp thay thế đơn giản cho phạm vi đầu tư hạn chế sẵn có trong nước. Nói cách khác, sự giàu có ngày càng tăng đang giao thoa với mối quan hệ truyền thống đối với vàng của phương Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Saudi Arabia cũng đã báo cáo tăng nhập khẩu vàng trong những năm gần đây.
Chúng ta cũng đang chứng kiến xu hướng mua vàng của ngân hàng trung ương ở phương Đông. Những người mua lớn nhất trong những năm gần đây đều ở phía Đông. Các quốc gia tăng dự trữ vàng đều đặn bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore.
Đáng chú ý, thị trường đã ghi nhận sự dịch chuyển của vàng từ Tây sang Đông ở cấp độ vi mô vào cuối năm 2022. Nhiều nhà đầu tư phương Tây – đặc biệt là ở cấp độ tổ chức – đã bán phá giá vàng thỏi. Trong khi đó, người mua châu Á đã tận dụng lợi thế của giá thấp hơn để mua đồ trang sức, đồng tiền vàng và vàng thỏi.
Một báo cáo vào mùa thu năm 2022 của Bloomberg đã chỉ ra rằng một lượng lớn kim loại đang được rút ra khỏi kho tiền ở các trung tâm tài chính như New York và hướng về phía Đông để đáp ứng nhu cầu tại thị trường vàng Thượng Hải hoặc Istanbul.
Theo dữ liệu từ CME Group và Hiệp hội thị trường vàng thỏi London, các kho tiền ở New York và London đã báo cáo về một “cuộc di cư” của hơn 527 tấn vàng từ tháng 4 đến tháng 10/2022. Đồng thời, nhập khẩu vàng vào Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 8/2022.
Đối với hàng triệu người ở châu Á, vàng vẫn là "hình thức tiết kiệm cơ bản”. Ngược lại với phương Tây, nơi mà quá trình tài chính hóa bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, và vàng đã dần bị loại bỏ khỏi cuộc sống hàng ngày của người dân. Đó là cho đến khi một cuộc khủng hoảng tài chính xuất hiện. Ở phương Tây, mọi người sở hữu ít hoặc không sở hữu vàng khi họ cảm thấy tự tin về tài chính. Nhưng người ở phương Đông lại giữ quan điểm lâu dài về vàng. Tổ tiên của họ tiết kiệm bằng vàng, và họ đã được dạy như vậy. Với kiến thức rằng cuối cùng, vàng sẽ không đánh mất đi sức mua của nó.
Theo TTXVN
(KGO) - Hãng tin Times Now đưa tin có thêm 16 trẻ sơ sinh đang trong tình trạng nguy kịch sau vụ hỏa hoạn. Các quan chức tin rằng nguyên nhân gây ra hỏa hoạn có thể xuất phát từ một sự cố chập điện.
Tổng số lượt truy cập: