05/05/2023 10:54
Đội hình dân quân tự vệ tại lễ ra quân huấn luyện năm 2023 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Đến nay, tổng số lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 1,19% so dân số, trong đó đảng viên đạt 27,14%. 100% chi bộ quân sự cấp xã có cấp ủy.
Thượng tá Bùi Cảnh Nha - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết: “Giang Thành là địa bàn biên giới, có vị trí quân sự, quốc phòng quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, cơ quan quân sự luôn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động công dân trong độ tuổi đăng ký lực lượng dân quân tự vệ đúng quy định. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ toàn huyện đạt 2,54% so dân số, với quy mô tổ chức rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
Trên địa bàn tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động 8 chốt dân quân tự vệ. Các chốt xây dựng đầy đủ kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, duy trì quân số trực, nhất là trong những ngày trực cao điểm, ngày lễ, tết, đảm bảo theo quy định.
Theo Đại tá Nguyễn Thành Ân - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 2 năm qua, toàn tỉnh tập huấn, huấn luyện đạt trên 80% so tổng số lực lượng. Các lớp tập huấn, huấn luyện đều được tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi.
Lực lượng dân quân tự vệ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ phối hợp các lực lượng khác giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới, biển, đảo, địa bàn trọng điểm, nhất là trong các ngày lễ, tết, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương.
“Từ năm 2021 đến nay, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp các lực lượng tuần tra gần 120.000 cuộc, có trên 300.000 lượt chiến sĩ tham gia. Từ tháng 6-2021 đến tháng 8-2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng dân quân tự vệ các huyện, thành phố và Hải đội Dân quân thường trực tăng cường cho Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới, vùng biển, đảo với gần 11.000 lượt chiến sĩ tham gia”, Đại tá Nguyễn Thành Ân cho biết.
Chiến sĩ dân quân tự vệ cùng các lực lượng tuần tra địa bàn xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Cùng công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quan tâm công tác chăm lo chế độ, chính sách, đời sống của lực lượng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn Trung đội dân quân cơ động xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) xây dựng mô hình trung đội dân quân cơ động ổn định cuộc sống, tích cực tham gia làm công tác vận động quần chúng.
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc Nguyễn Việt Xuyên cho biết: “2 năm trước, từ nguồn quỹ xã hội hóa được 30 triệu đồng, Ban Chỉ huy Quân sự xã cho 3 chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn mượn 10 triệu đồng/người để xây dựng mô hình chăn nuôi, sản xuất, qua đó có một số mô hình hiệu quả như nuôi gà, nuôi cá, nuôi ếch, lươn... Hiện nguồn vốn của mô hình tích lũy được 90 triệu đồng.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình, hoạt động đơn vị trung đội dân quân cơ động của xã có nhiều chuyển biến tiến bộ; ý thức trách nhiệm, chất lượng hoạt động của dân quân cơ động được nâng lên; các hoạt động phối hợp của lực lượng dân quân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nông thôn mới lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ”.
Đại tá Nguyễn Thành Ân khẳng định lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: