19/05/2023 16:06
Đã thành thông lệ, hàng năm, lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang tham mưu tổ chức Tết quân - dân với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chung tay cùng cấp ủy, chính quyền hỗ trợ nhân dân trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến được hưởng tết vui tươi, đầm ấm, nghĩa tình.
Tết quân - dân là mô hình “Dân vận khéo” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Mô hình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với việc bộ đội hành quân về địa phương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân.
Bộ đội cùng nhân dân chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc thông qua việc triển khai đồng loạt và có trọng điểm các hoạt động như tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nhà, cầu, đường giao thông nông thôn; khám bệnh cấp thuốc miễn phí; thăm tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi và các hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật...
Các hoạt động góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi ở vùng quê trong những ngày cận tết; đồng thời cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Theo Đại tá Lê Hoàng Vũ - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công các hoạt động Tết quân - dân chính là sự đồng thuận vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và sự đóng góp nguồn lực tài chính của xã hội.
7 năm qua (2016-2022), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức các hoạt động Tết quân - dân với quy mô cấp tỉnh trên địa bàn 7 xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành; Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng; xã Đông Thạnh, huyện An Minh; Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận; Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng; Hưng Yên, huyện An Biên và Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao.
Từ hoạt động Tết quân - dân, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm đã xây dựng 525 căn nhà, 38 cầu, làm mới, sửa chữa, chống sạt lở trên 40km đường giao thông nông thôn, xây dựng 41 cổng chào xã, ấp văn hóa, hơn 1.700 lò đốt rác, thực hiện tuyến đường hoa dài 77km; kéo điện thắp sáng 34,5km đường nông thôn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hàng ngàn gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình quân nhân tại ngũ, học sinh nghèo vượt khó học giỏi…
Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động Tết quân - dân của cấp tỉnh trên 64,5 tỷ đồng, cấp huyện trên 246 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 893 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) lao động giúp dân trong hoạt động Tết quân - dân năm 2023 tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao.
Riêng năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Kiên Giang tổ chức Tết quân - dân năm 2023 mừng Chôl Chnăm Thmây tại xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã góp phần tăng cường tình đoàn kết quân - dân, tạo không khí vui tươi cho đồng bào Khmer đón tết cổ truyền.
Chị Thị Hiên, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, sống chung với mẹ đã 72 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, không có ruộng đất, được hỗ trợ căn nhà đại đoàn kết từ chương trình Tết quân - dân vào đúng dịp Tết Chôl Chnăm Thmây khiến chị rất vui mừng. Chị Thị Hiên nói: “Cuộc sống của hai mẹ con nhờ bà con chòm xóm thương tình giúp đỡ và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Giờ đây tôi được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết đúng vào dịp đón Tết Chôl Chnăm Thmây, tôi biết ơn và vui mừng lắm”.
Kết quả đạt được từ các hoạt động Tết quân - dân thời gian qua đã chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng các công trình dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
“Mô hình Tết quân - dân thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, tri ân sâu sắc các gia đình có công với cách mạng, giải quyết khó khăn cho hộ nghèo, giúp nhân dân các địa phương được đủ đầy hơn trong những ngày tết cổ truyền dân tộc. Qua hoạt động Tết quân - dân góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đại tá Lê Hoàng Vũ khẳng định.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: