27/11/2024 14:08
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân về nước nhưng chúng vẫn chưa từ bỏ mưu đồ chia cắt đất nước ta. Mỹ tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” hòng duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, duy trì bộ phận quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á làm “lực lượng răn đe”, tăng thêm viện trợ, đốc thúc chính quyền tay sai Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định.
Ngày 16-10-1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình đó, tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành hội nghị lần thứ 21, ra nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”. Tại hội nghị, Trung ương đã tổng kết kinh nghiệm 18 năm kháng chiến chống Mỹ, phân tích tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch; đề ra nhiệm vụ cơ bản, phương châm, phương thức hoạt động của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết yêu cầu: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cần phải chuẩn bị đầy đủ, luôn sẵn sàng trong tư thế đánh địch, chủ động đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của chúng… Phải có kế hoạch toàn diện về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu suất chiến đấu, làm cho bộ đội chủ lực thành lực lượng rất tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, cơ động và linh hoạt, phù hợp với điều kiện chiến đấu trên chiến trường.
Chủ động tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để giành những thắng lợi quyết định trên chiến trường, ngày 15-10-1973, Quân ủy Trung ương họp, đề ra những chủ trương lớn về quân sự. Trong đó, Quân ủy Trung ương thống nhất đề nghị Bộ Chính trị cho thành lập một số quân đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu tác chiến trước mắt và thiết thực chuẩn bị lực lượng cho kế hoạch chiến lược lâu dài, cơ bản của cách mạng miền Nam.
Ngày 24-10-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1. Quân đoàn 1, còn gọi là Binh đoàn Quyết Thắng, là quân đoàn cơ động dự bị chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đội hình Quân đoàn bao gồm các sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 308, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320B; Sư đoàn phòng không 367; Lữ đoàn Xe tăng 202; Lữ đoàn Pháo binh 45; Lữ đoàn Công binh 299; Trung đoàn Thông tin 240, các đơn vị binh chủng và cơ quan.
Lực lượng Pháo phòng không của Quân đoàn 12 luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: qdnd.vn
Hầu hết các đơn vị đứng chân trong đội hình Quân đoàn đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trong đó có những đơn vị được thành lập ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do đây là binh đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nên Bộ đã cử những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp quân đội có kinh nghiệm tác chiến lâu năm như Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn; Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chính ủy Quân đoàn.
Ra đời trong một thời gian ngắn, Quân đoàn 1 đã được xây dựng trở thành một binh đoàn có sức chiến đấu cao, sức đột kích mạnh, sức cơ động lớn, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 vừa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc - hậu phương chiến lược của cả nước, vừa thực hiện thắng lợi cuộc hành quân thần tốc từ Bắc vào Nam, kịp thời tham gia chiến đấu trên một hướng chủ yếu của chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc thành lập quân đoàn chủ lực đầu tiên - Binh đoàn Quyết Thắng đánh dấu sự phát triển, trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta trong giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt của cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, để đánh những đòn quyết định, quyết chiến, chiến lược trên chiến trường.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Quân đoàn 1 được giải thể để tổ chức thành lập quân đoàn mới - Quân đoàn 12. Điều này thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Quân đoàn 12 có quy mô, tổ chức lực lượng lớn, với trang bị vũ khí, phương tiện mới, hiện đại, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ mở các chiến dịch có quy mô vừa và đánh bại mọi hình thái tác chiến mới của địch trong tương lai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng; góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Báo Quân đội nhân dân/Đại úy, ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN, Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 80 năm - Tự hào Quân đội nhân dân Việt Nam xem các tin, bài liên quan.
(KGO) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh yêu cầu Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên; làm tốt công tác cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội đảng các cấp trong Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: