26/06/2023 10:44
Vào mùa hè, trẻ em thích thú khi được đắm mình dưới dòng nước mát lạnh. Bơi lội là lựa chọn hàng đầu trong các trò chơi mà các em tìm đến. Tuy nhiên, không phải lúc nào các em cũng tập trung đến các hồ bơi có sự giám sát của huấn luyện viên mà vẫn còn nhiều trường hợp tự ý đến bãi biển, bãi tắm, sông, hồ, giếng nước sâu... để chơi đùa, không có sự trông coi của người lớn. Một số em lại không biết bơi, thể lực yếu, thiếu kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước, từ đó dẫn đến tai nạn thương tâm không lường trước được.
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành thị vẫn có tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Ngày 22-9-2022, tại chân cầu Xuyên Á, tuyến tránh TP. Rạch Giá đoạn qua phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) có vụ đuối nước làm chị em ruột Trần Võ Phương Anh (14 tuổi) và em Trần Võ Phương Ly (10 tuổi) tử vong.
Phương Anh, Phương Ly cùng nhóm bạn 7 người rủ nhau ra tắm sông ở gần nhà. Trong lúc tắm, Phương Anh phát hiện em gái của mình bị trượt chân và lún dần xuống hố cát sâu nên nhảy xuống cứu và cùng bị đuối nước.
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, bên cạnh việc nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng cho trẻ em, phụ huynh cần tạo điều kiện cho các em học bơi sớm. Đồng thời, trang bị thêm kỹ năng cơ bản về chống đuối nước giúp trẻ em tự xử lý tình huống khi không được sự hỗ trợ của người lớn. Góp phần giảm tai nạn đuối nước, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn đuối nước.
Cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn người dân kỹ năng thoát hiểm khi gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh, tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy. Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy; ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu…
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang huấn luyện kỹ năng cứu người bị đuối nước.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang còn tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ. 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị tổ chức 6 lớp huấn luyện cho trên 400 lượt người là lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, trong đó chú trọng các nội dung bơi ếch, bơi trườn sấp; kiến thức cơ bản về lặn; cách sử dụng thiết bị, phương tiện khi lặn; lặn cứu nạn, cứu hộ cơ bản; tín hiệu cơ bản trong quá trình lặn...
Trung tá Lâm Tường Vinh - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở vui chơi, giải trí, các công trình đang thi công có ao hồ, hố ao sâu, bể bơi, bãi tắm… cần thực hiện việc cắm biển và duy trì tác dụng của biển cấm, biển cảnh báo, rào chắn nhằm phòng ngừa sự cố, tai nạn đuối nước có thể xảy ra”.
Môi trường sống tồn tại yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ như chậu nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Tình trạng xây dựng công trình, đào bới khai thác cát, đất đá, sự vô ý thức của con người để lại hố ao sâu không có hàng rào cũng là nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
Vì vậy, việc hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà cần có sự chung tay của toàn xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra sự cố, tai nạn đuối nước...
Bài và ảnh: KIM TIỀN
(KGO) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh yêu cầu Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên; làm tốt công tác cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội đảng các cấp trong Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Tổng số lượt truy cập: