10/09/2022 08:40
Thực hiện chủ trương của Khu ủy khu 9, đầu tháng 9-1945, Hà Tiên và Rạch Giá mỗi tỉnh tổ chức được một Đại đội Cộng hòa vệ binh, với quân số gần 100 người và một Đội Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của Công an) có trên 30 người. Mỗi tỉnh được trang bị từ 70-100 súng trường và súng lửa.
Trong những ngày đầu giành được chính quyền, trên địa bàn tỉnh Rạch Giá quân Nhật còn đóng một đồn ở doi Hà Tiên, cách trung tâm TX. Rạch Giá (nay là TP. Rạch Giá) khoảng 1km về phía bắc. Thực hiện chủ trương của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Rạch Giá, Đại đội Cộng hòa vệ binh và một bộ phận Đội Quốc gia tự vệ cuộc được giao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Nhật tại doi Hà Tiên.
Sau vài ngày theo dõi, chớp thời cơ, lúc 5 giờ 45 phút ngày 10-9-1945, Đại đội Cộng hòa vệ binh bắt đầu trận đánh. Sau hơn 4 giờ chiến đấu, ta bức hàng và xóa sổ đồn lính Nhật ở doi Hà Tiên, bắt sống 20 tên, tiêu diệt 6 tên, riêng tên đồn trưởng tự sát; thu toàn bộ vũ khí, lương thực, thực phẩm và thuốc men.
Đại đội 5, Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) luyện tập hành động của trung đội vượt qua cửa mở.
Đại tá Lê Hoàng Vũ - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết chiến thắng doi Hà Tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Rạch Giá.
Đây là chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh; đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà; củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; là bài học quý báu để lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức các trận đánh sau này với quy mô lớn hơn và hình thức phức tạp hơn.
Với những chiến công oanh liệt và thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 2-10-2000, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kiên Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Tiếp nối trận đầu ra quân đánh thắng, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Kiên Giang có nhiều chiến công trong việc mở rộng vùng giải phóng, xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến của Khu 9. Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang nỗ lực lập nhiều chiến công đi đến giải phóng toàn tỉnh. Đồng thời, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến của Khu 9, bảo đảm đường hành lang vận chuyển chiến lược (đường 1C) trên địa bàn tỉnh và đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến trường chung.
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, lực lượng vũ trang Kiên Giang chiến đấu anh dũng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Nối tiếp truyền thống và chiến công oanh liệt của các thế hệ đi trước, phát huy phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua, lực lượng vũ trang Kiên Giang lập được nhiều thành tích xuất sắc. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh vững chắc.
Đại tá Lê Hoàng Vũ khẳng định: “Chiến sĩ lực lượng vũ trang Kiên Giang hôm nay và mai sau không ngừng nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn xứng đáng với truyền thống “Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng” được các thế hệ đi trước dày công xây dựng, vun đắp; xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Kinh phí xây dựng nhà gần 200 triệu đồng, trong đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại do gia đình và người thân Hạ sĩ Lành đóng góp.
Tổng số lượt truy cập: