25/06/2021 08:32
Dân quân tự vệ vốn là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất nhưng nay được huy động làm nhiệm vụ ở chốt, chiến sĩ gác lại công việc gia đình, việc sản xuất, thể hiện tinh thần trách nhiệm để góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
NỮ CHIẾN SĨ ĐI CHỐNG DỊCH
Theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 8 chốt liên ngành, mỗi chốt có 26 người gồm lực lượng công an, y tế, thanh tra giao thông, quân sự, đoàn thanh niên, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ. Các chốt hoạt động 24/24 giờ, bắt đầu từ ngày 1-6 đến nay.
Ấn tượng với chúng tôi khi đến chốt 8, quốc lộ 63 khu vực cống Ranh Hạt, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) giáp ranh với địa bàn tỉnh Cà Mau là hình ảnh chị Mai Thị Trúc Hương - chiến sĩ dân quân thường trực xã Tân Thuận (Vĩnh Thuận) làm nhiệm vụ. Dù con nhỏ mới hơn 1 tuổi nhưng khi được phân công đi trực chốt, chị vẫn hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Chị lý giải đơn vị rất ít cán bộ, chiến sĩ, mỗi người đều đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng, có người xung phong lên chốt chống dịch ở biên giới, nay chị đi trực chốt kiểm soát liên ngành cũng là lẽ thường.
Chiến sĩ dân quân tự Mai Thị Trúc Hương đo thân nhiệt cho người đi từ tỉnh Cà Mau vào địa bàn tỉnh Kiên Giang khi qua chốt 8.
Vợ chồng chị Hương đều tham gia công tác nên mỗi sáng chồng chị chở con nhỏ gửi ông bà rồi đi làm. Riêng chị từ 5 giờ đã tranh thủ đi trực chốt vì từ nhà chị đến chỗ trực hơn 10km. Thông cảm với hoàn cảnh của chị Hương nên chị được sắp xếp trực từ 6-18 giờ. Chị Hương chia sẻ: “Cả nước đồng lòng chống dịch, đây là giai đoạn khó khăn chung nên tôi chịu vất vả một chút cũng không sao”.
Trực chốt tiếp xúc nhiều người, chị Hương cẩn thận hơn, thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch. Hỏi động lực giúp chị luôn năng nổ, chị trả lời: “Đó là lòng yêu nước, muốn góp sức bảo vệ bình yên cho nhân dân”.
THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ
Có mặt tại chốt kiểm soát liên ngành, chúng tôi chứng kiến cường độ thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng. Với lượng người, phương tiện qua lại chốt rất đông, cán bộ, chiến sĩ phải làm việc liên tục mới đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào. Các lực lượng yêu cầu hành khách qua chốt phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, test nhanh đối với những người nghi nhiễm COVID-19 và người đến từ vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế. Qua kiểm tra, kiểm soát, các chốt đã phát hiện, kịp thời đưa đi cách ly tập trung theo quy định người đến và trở về từ vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế và Sở Y tế. Ngoài ra, lực lượng nhắc nhở, yêu cầu phương tiện thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch như có dung dịch sát khuẩn trên xe, hành khách và nhân viên phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…
Chiến sĩ dân quân tự vệ đo thân nhiệt cho người qua chốt 4, quốc lộ 61, cầu Cái Tư, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao).
Tại chốt 5, khu vực nút giao đường tỉnh 963, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) là cửa ngõ từ TP. Hồ Chí Minh về Kiên Giang, các lực lượng không ngại gian khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Danh Pha Mal - chiến sĩ dân quân thường trực xã Thạnh Trị tham gia thực hiện nhiệm vụ từ ngày đầu lập chốt kiểm soát. Pha Mal cho biết anh cùng một chiến sĩ dân quân tự vệ khác chia ca trực, mỗi người trực tại chốt 12 giờ/ngày. “Vì đông người, phương tiện qua lại, tôi hỗ trợ nhân viên y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế... Nhiều người nghe nói đi làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát liên ngành e ngại vì sợ tiếp xúc nhiều người có thể lây dịch nhưng tôi xem đây là trách nhiệm của mình với công tác phòng, chống dịch. Tôi ý thức thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, anh Pha Mal nói.
Chiến sĩ dân quân tự vệ và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại chốt 5, khu vực nút giao đường tỉnh 963, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp).
Chốt 5 xa khu vực chợ, không có người dân buôn bán thức ăn nên cán bộ, chiến sĩ ăn uống còn rất khó. Nhiều lúc vì làm nhiệm vụ liên tục, chiến sĩ phải nấu mì gói ăn đỡ. Trong điều kiện nắng nóng liên tục hoặc có khi mưa nhưng chiến sĩ không rời vị trí thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tá Trần Quảng Trị - cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh), tổ trưởng chốt 5 nói: “Dù vất vả nhưng các lực lượng ở chốt, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: