26/08/2022 16:13
Lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh Kiên Giang hiện chiếm 1,2% dân số toàn tỉnh, trong đó đảng viên đạt 26,29%. Theo Ban Dân quân, Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), từ đầu năm 2022 đến nay, công tác huấn luyện dân quân tự vệ ở các địa phương có sự chuyển biến thông qua việc kiểm tra bắn đạn thật trong các lớp tập huấn, huấn luyện.
Các đối tượng dân quân năm thứ nhất, dân quân cơ động, thường trực, tại chỗ, dân quân tự vệ biển đều có kiểm tra bắn đạn thật cuối khóa; riêng dân quân binh chủng không kiểm tra bắn đạn thật. Qua việc kiểm tra bắn đạn thật giúp đánh giá thực chất kết quả huấn luyện và giúp chiến sĩ thêm tự tin, bình tĩnh, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống.
Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn, huấn luyện cho gần 16.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, đạt trên 93% chỉ tiêu tập huấn, huấn luyện năm 2022. Trong công tác huấn luyện, cơ quan, đơn vị bám theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, gắn với yêu cầu nhanh, mạnh, chính xác, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Các đơn vị tập trung đổi mới về tổ chức, phương pháp huấn luyện các cấp; lấy huấn luyện, rèn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan là trọng tâm, huấn luyện sát thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Lớp huấn luyện tự vệ cơ quan cấp tỉnh năm 2022 có chuyển biến rõ. Giáo viên có phương pháp huấn luyện linh hoạt, sâu sát với từng chiến sĩ giúp chiến sĩ nắm bắt được nội dung huấn luyện, sử dụng thành thạo một số loại vũ khí. Kết quả viết thu hoạch giáo dục chính và bắn bài 1b súng tiểu liên AK đạt kết quả cao.
Dù lần đầu tiên được bắn đạn thật nhưng đồng chí Lý Thị Kiều Loan - chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang bắn đạt loại giỏi.
Đồng chí Loan cho biết: “Trong 7 ngày tham gia lớp huấn luyện lực lượng tự vệ cơ quan cụm 2 năm 2022, tôi học được nhiều kiến thức về chính trị, quân sự. Các bài học quân sự như ném lựu đạn, bắn súng đều rất thu hút tôi do cách truyền đạt của giáo viên gần gũi, dễ hiểu. Dù lần đầu tiếp xúc với việc sử dụng súng và bắn súng nhưng tôi giữ được tâm lý bình tĩnh, hoàn thành bài thi”.
Chiến sĩ lớp huấn luyện tự vệ cơ quan cấp tỉnh năm 2022 kiểm tra bắn đạn thật vào cuối khóa huấn luyện.
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang, công tác tập huấn, huấn luyện cán bộ dân quân tự vệ, dân quân cơ động, dân quân tự vệ năm thứ nhất, dân quân tại chỗ, dân quân binh chủng… đảm bảo đúng nội dung, kế hoạch huấn luyện đã được xác định. Trung tá Trần Minh Đà - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện U Minh Thượng cho biết: “Trong công tác huấn luyện, đơn vị quản lý chặt chẽ quân số, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị trong quá trình huấn luyện và kiểm tra”.
Các lớp tập huấn, huấn luyện dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới; hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, huấn luyện chiến sĩ thành thạo chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu dân quân tự vệ, từng bước nâng cao về trình độ, kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị có trong biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Chiến sĩ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huấn luyện dân quân tự vệ hiện nay còn một số hạn chế như việc tập trung lực lượng, nhất là lực lượng dân quân tự vệ biển tham gia huấn luyện còn khó khăn, chưa đảm bảo quân số. Trình độ của chiến sĩ không đồng đều nên kết quả tiếp thu bài học của một số chiến sĩ chưa cao, kết quả viết thu hoạch giáo dục chính trị và bắn súng còn thấp. Do đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục có biện pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng huấn luyện.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: