18/09/2022 10:57
Trong những ngày kỷ niệm 77 năm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2/9/1945 - 2/9/2022), các cựu chiến binh Tiểu đoàn 207 và 519 có buổi họp mặt tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Những cái ôm, cái nắm tay thật chặt, lời hỏi thăm sức khỏe, đời sống của những cựu chiến binh Tiểu đoàn 207 và 519 sau bao năm xa cách càng thể hiện rõ tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn trong những năm tháng kháng chiến, cứu nước gian khổ mà hào hùng.
Trước đây, 2 ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 207, Tiểu đoàn 519 hoạt động riêng. Ngày 20-7-2022, Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 497/QĐ-CCB sáp nhập 2 ban liên lạc thành Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 207-519.
Đồng chí Bùi Ngọc Sương - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 207-519 nhắc lại truyền thống hào hùng cách đây 62 năm, Tiểu đoàn U Minh 10 tiền thân của Tiểu đoàn 207-519 được thành lập ngày 20-7-1960 tại kênh Trung Đoàn, xã Đông Yên, huyện An Biên nay thuộc địa bàn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Tiểu đoàn 519 được thành lập ngày 19-5-1972 tại xã Đông Yên, huyện An Biên nay thuộc xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng.
Kể về truyền thống đơn vị, ông Trần Kha Nhung - cựu chiến binh Tiểu đoàn 207-519 nói: “Truyền thống vẻ vang của đơn vị vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm tôi và đồng đội. Chúng tôi kể chuyện kháng chiến để truyền ngọn lửa yêu nước, giáo dục con cháu quyết tâm xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước”.
Đến dự buổi họp mặt của cựu chiến binh Tiểu đoàn 207-519, Thiếu tá Trương Út Bắc - Chính ủy Trung đoàn 893 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) được nghe những người lính từng anh dũng chiến đấu kể về truyền thống đơn vị khiến đồng chí - một sĩ quan trưởng thành từ Tiểu đoàn 207 càng quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ gìn, vun đắp truyền thống hào hùng của đơn vị.
Tiểu đoàn 519 diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật cấp trung đội năm 2022.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn 207 cùng với đơn vị cấp trên và lực lượng vũ trang địa phương trong tỉnh tiêu diệt và bức rút 225 đồn bót, loại khỏi vòng chiến đấu 118.689 tên địch...
Ngày 20-10-1976, Tiểu đoàn 207 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với việc tập thể được tuyên dương anh hùng, Tiểu đoàn 207 có 4 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiểu đoàn 207 và 519 hiện được biên chế thuộc Trung đoàn 893 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang). Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 893 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời để 2 tiểu đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tiểu đoàn 207 làm tốt công tác tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện phân đội, trực sẵn sàng chiến đấu, là lực lượng cơ động xử lý tình huống của tỉnh Kiên Giang.
Thiếu tá Trần Phước Sang - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 207 khẳng định phát huy truyền thống anh hùng, với tinh thần nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 207 phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần cùng Trung đoàn 893, lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
Tiểu đoàn 519 đứng chân trên địa bàn biên giới có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vận động quần chúng, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh và làm lực lượng cơ động cho Trung đoàn 893 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.
Thượng úy Trần Văn On - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 519 cho biết đơn vị luôn gắn bó với cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi đóng quân, góp phần tô thắm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân vùng biên giới, biển, đảo.
5 năm qua (2017-2022), Tiểu đoàn 519 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn các cấp vệ sinh tuyến đường khu vực đóng quân, với hơn 45km; thăm và tặng 235 suất quà cho cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách trên địa bàn; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học tốt với số tiền 350 triệu đồng.
Những việc làm thiết thực ấy đang từng ngày gìn giữ và tô thắm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 207 và 519.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: