26/02/2021 11:00
Theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT, ngày 2-2-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập đều có 3 hạng, hạng I, hạng II và hạng III. Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu cùng hạng thì mức lương đều như nhau. Cụ thể, hạng III, từ hệ số lương 2,34-4,98; hạng II, từ hệ số lương 4,00-6,38; hạng I, từ hệ số lương 4,40-6,78.
Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên cả 3 cấp học đều phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư trên. Khi bổ nhiệm giáo viên từ chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Không căn cứ trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên mới được tuyển dụng.
Riêng giáo viên tiểu học, do không còn hạng IV nên hạng IV (mã số V.07.03.09) sẽ chuyển sang hạng III (mã số V.07.03.29); hạng III (mã số V.07.03.08) vẫn còn hạng III (mã số V.07.03.29); hạng II (mã số V.07.03.07) vẫn giữ hạng II (mã số V.07.03.28). Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) khi được xác định là người trúng tuyển trong kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Tương tự, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn được giữ hạng III, hạng II, hạng I nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại các Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT.
Những giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì xuống hạng, cụ thể giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) xuống hạng III (mã số V.07.03.29), giáo viên trung học cơ sở từ hạng II (mã số V.07.04.11) xuống hạng III (mã số V.07.04.32), từ hạng I (mã số V.07.04.10) xuống hạng II (mã số V.07.04.31). Tuy nhiên, những giáo viên xuống hạng không phải quá lo lắng, bởi khi đạt chuẩn thì lại được bổ nhiệm vào hạng cũ là giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng II và hạng I mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Điểm chung trong các thông tư để giáo viên vẫn giữ được hạng cũ là phải đạt các tiêu chuẩn về: Đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp là một yêu cầu bắt buộc khi bổ nhiệm giáo viên vào hạng. Trước đây, rất nhiều giáo viên đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II và hạng III quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì hoàn toàn yên tâm vì các chứng chỉ này vẫn được công nhận là tương đương với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các thông tư mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản giao cho cơ sở giáo dục nào được bồi dưỡng cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì cơ sở đó được phép cấp chứng chỉ. Vậy nên, giáo viên cần chú ý để có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hợp pháp.
Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Các thông tư mới này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 20-3-2021.
Thạc sĩ BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ ngày 10 đến 13-12, trên 170 chức sắc, chức việc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh.
Tổng số lượt truy cập: