06/03/2024 09:22
ĐỒN LÀ NHÀ
Tiên Phát Lai Em năm nay học lớp 2 Trường Tiểu học Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành. Em được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành nhận làm con nuôi đồn từ tháng 9-2023. Ngày đầu đến đồn, Lai Em còn rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của các chú bộ đội biên phòng đã khiến em xem đồn như nhà, xem các chú bộ đội như người thân.
5 giờ sáng khi tiếng kẻng báo thức, các chú bộ đội biên phòng bắt đầu một ngày mới, Lai Em cũng thức giấc cùng các chú vệ sinh cá nhân và thể dục. Có hôm em ăn cơm sáng cùng các chú ở đơn vị; có hôm em được các chú thưởng món yêu thích khi em học tập đạt thành tích tốt.
“Con thích nhất là được các chú dẫn đi ăn cơm sườn, uống cà phê sữa”, Lai Em nói.
Là người gần gũi chăm sóc, thường xuyên đưa rước Lai Em đi học, lo cho Lai Em từng bữa ăn, giấc ngủ, Thiếu tá Lê Việt Trung - nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành hiểu rõ từng sở thích, tính cách của Lai Em. Thiếu tá Trung cho biết: “Tôi xem Lai Em như con cháu mà quan tâm, chăm sóc. Cháu càng làm tôi thương mến khi cháu rất ngoan, biết vâng lời, chịu khó học tập”.
Em Tiên Phát Lai Em được Trung úy Huỳnh Hoàng Lộc - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành hướng dẫn ôn bài về nhà.
Mỗi buổi sáng, Thiếu tá Trung hoặc cán bộ biên phòng đưa Lai Em đến trường. Buổi chiều, cán bộ rước em về đồn. Được sự hướng dẫn của các chú bộ đội biên phòng, Lai Em có thể ngủ một mình, tự tắm, vệ sinh cá nhân, xếp mùng, mền ngăn nắp. Em tự giác như các chú bộ đội giờ nào việc nấy. Sau giờ học, em cùng bộ đội tăng gia sản xuất, nhờ các chú chỉ dẫn, em biết cách tưới rau, biết thêm được tên các loài rau, củ, quả. Có những buổi chiều, em cùng các chú chơi đá bóng, trò chuyện, rồi cùng các chú xem thời sự. Sau đó, em vào bàn học tập.
Việc học của Lai Em tiến bộ rõ nét từ ngày được Trung úy Huỳnh Hoàng Lộc - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành giúp em ôn bài. “Khủng long là loại vật thường sống thành bầy đàn ở các vùng đất khô”, tiếng đọc bài của Lai Em vang lên từ một căn phòng nhỏ ở đồn, đây cũng là nơi em ngủ nghỉ.
Ngồi bên cạnh là Trung úy Lộc đang dò theo từ chữ của Lai Em đọc. Chữ nào Lai Em đọc chưa tròn, rõ, to, Trung úy Lộc hướng dẫn để Lai Em đọc đúng. Hết phần tiếng Việt, Lai Em chuyển sang làm toán. Trung úy Lộc vẫn bên cạnh hướng dẫn, kiểm tra các bài tập của Lai Em. Sau giờ học hai chú cháu trò chuyện, hơn 21 giờ em đi ngủ.
Em Tiên Phát Lai Em được cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành thương yêu, chăm sóc như con, cháu.
Trung úy Lộc quê ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành công tác từ tháng 9-2022. Trung úy Lộc vẫn chưa lập gia đình, nhưng với cương vị Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Trung úy Lộc là người trực tiếp chăm sóc và đỡ đầu cho Lai Em ở đồn. Từ đó, Trung úy Lộc cũng bắt đầu học cách “làm cha”, không chỉ bằng trách nhiệm mà còn lắng nghe, thấu hiểu để giúp một đứa trẻ làm quen với môi trường quân đội, làm quen với cuộc sống xa gia đình và dần trở nên tự tin, mạnh dạn.
Trung úy Lộc nói: “Tôi trò chuyện với cháu Lai Em như một người cha, một người chú, người bạn để hiểu trẻ nhỏ, động viên, an ủi cháu khi cháu nhớ nhà, khi gặp khó khăn trong học tập để cháu xây dựng ước mơ trở thành một người tốt, có quyết tâm học tập vươn lên”.
“CHÚNG TÔI RẤT YÊN LÒNG”
Thông thường, thứ bảy, chủ nhật, các chú bộ đội biên phòng đưa Lai Em về thăm nhà. Hôm ấy, chúng tôi cùng Thiếu tá Lê Việt Trung và Lai Em về thăm nhà của em. Anh Tiên Meo 34 tuổi, chị Thị Hoan 32 tuổi, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành là cha mẹ của Lai Em. Nhà anh Tiên Meo cách đồn chưa đầy 10km, là một căn nhà lá, nền đất đơn sơ. Vợ chồng anh không có ruộng đất, hàng ngày ai thuê gì vợ chồng làm đó, có khi là dặm lúa, làm cỏ, thu hoạch rau màu…, được khoảng 100.000 đồng - 120.000 đồng/ngày. Song cũng có những ngày không có việc làm khi nông nhàn.
Vợ chồng anh Tiên Meo có hai con, con gái lớn năm nay học lớp 5, con út là Lai Em. Anh Tiên Meo chia sẻ: “Hôm cán bộ ở đồn với chính quyền địa phương đến xem xét hoàn cảnh, muốn nhận Lai Em làm con nuôi đồn, lúc đầu tôi cũng bỡ ngỡ lắm, nhưng sau đó được giải thích, hiểu được cán bộ đồn sẽ chăm lo, giáo dục cho con mình học hành đàng hoàng, nên tôi đồng thuận. Qua thời gian con tôi ở đồn được các chú bộ đội biên phòng yêu thương, dạy dỗ lễ phép, học hành tiến bộ, vợ chồng chúng tôi rất yên lòng”.
Em Tiên Phát Lai Em được cán bộ đồn biên phòng đưa về thăm cha mẹ vào ngày cuối tuần.
Cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh Tiên Meo rất vất vả khi nuôi hai con ăn học. Từ ngày Lai Em được đồn biên phòng nhận làm con nuôi, lo việc ăn uống, quần áo, sách vở hàng ngày, khiến vợ chồng anh Tiên Meo nhẹ nỗi lo. Lai Em về nhà trong vào vòng tay yêu thương của cha mẹ. Hỏi con nhớ cha mẹ nhiều không, em khẽ nói “Dạ nhớ”. Nói chuyện một đoạn, Lai Em cho biết: “Nhưng ở nhà lâu thì con cũng nhớ đồn, nhớ các chú”.
Bài và ảnh: THU OANH - HOÀNG GIÁM
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: