11/03/2021 15:49
Những nội dung trên được nêu tại Nghị định 13/2021/NĐ-CP, ngày 1-3-2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
ĐỐI THOẠI ÍT NHẤT MỖI NĂM MỘT LẦN
Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Hình thức đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến.
Nội dung đối thoại gồm: Việc thực hiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với thanh niên; hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; những nội dung thuộc thẩm quyền hoặc trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của thanh niên; vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong học tập, lao động, rèn luyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
NHIỀU CHÍNH SÁCH
Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng nhiều chính sách: Bảo đảm hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định của pháp luật; ưu tiên, tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và lứa tuổi để phát triển toàn diện; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với lứa tuổi; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) trong ngày khai giảng năm học mới 2020-2021. Ảnh: LÊ VINH
Thanh niên còn được bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự theo quy định của pháp luật; ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên...
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp định kỳ rà soát, thống kê số lượng thanh niên chưa được phổ cập; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục; chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền, triển khai các hoạt động, kế hoạch, tổ chức phổ cập giáo dục cho thanh niên.
Chỉ đạo UBND các cấp xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho thanh niên phát huy các loại hình văn hóa phù hợp truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức, những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, đồng thời đáp ứng được nhu cầu, sở thích, phù hợp với khả năng và lứa tuổi.
Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tư vấn, hướng nghiệp; cung cấp thông tin, xu hướng việc làm, thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên. Các cơ sở này được liên kết với các tổ chức, đơn vị khác để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm cho thanh niên theo quy định của pháp luật.
Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và bảo đảm quyền cho thanh niên được học tập, phổ cập giáo dục; định hướng, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí; giáo dục, hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho thanh niên. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, giúp đỡ thanh niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nghị định 13/2021/NĐ-CP còn quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên các cấp, các cơ sở văn hóa,.. trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách dành cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Nghị định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
MINH KHANG
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: