02/09/2023 09:19
Thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu 9, đầu tháng 9-1945, Hà Tiên và Rạch Giá, mỗi tỉnh tổ chức một Đại đội Cộng hòa vệ binh, với quân số gần 100 người và một Đội Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của công an) có trên 30 người. Mỗi tỉnh được trang bị từ 70-100 súng trường và súng lửa.
Ngày 10-9-1945, Đại đội Cộng hòa vệ binh ra quân đánh trận đầu tiêu diệt đồn Nhật tại doi Hà Tiên đóng cách trung tâm thị xã Rạch Giá khoảng 1km về phía bắc.
“Chiến thắng doi Hà Tiên vào ngày 10-9-1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Rạch Giá, được chọn làm ngày truyền thống lực lượng vũ trang Kiên Giang”, Đại tá Lê Hoàng Vũ - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết.
Ông Hà Văn Nhị (bên phải) - cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống Pháp kể về những năm kháng chiến ác liệt.
Tiếp nối trận đầu ra quân đánh thắng, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Kiên Giang đã có nhiều chiến công trong việc mở rộng vùng giải phóng, xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến của Khu 9.
Tháng 4-1954, trên các tuyến lộ Bến Nhứt, Cái Sắn, Tri Tôn… quân, dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên địch, bức rút 20 đồn, lô cốt, làm rã ngũ trên 200 tên địch. Riêng đại đội địa phương Châu Thành kết hợp nội tuyến diệt gọn đồn địch trên lộ Cái Sắn.
Trong tháng 4-1954, lịch sử lực lượng vũ trang Kiên Giang còn tô thắm bởi chiến công của du kích xã Bình An (Châu Thành) bức rút đồn Lòng Tắc bằng mưu kế độc đáo. Lúc đầu ta vây chặt đồn, nhưng do hỏa lực không đủ mạnh nên địch không chịu rút chạy.
Vài ngày sau, quân, dân du kích lấy dừa khô vạt hai đầu và sơn đen giống như một loại hỏa lực, rồi đem treo xung quanh đồn và phát loa kêu gọi địch: “Nếu không hàng sẽ bị tiêu diệt”. Địch thấy vậy hốt hoảng xin hàng. Ta ập vào thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 16 súng trường và tiểu liên.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, khí thế tiến công của quân, dân ta trên khắp các chiến trường ngày càng mạnh mẽ. Đại tá Lê Hoàng Vũ khẳng định, 9 năm kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Kiên Giang tuy còn có mặt hạn chế, nhưng với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ” đã đoàn kết chặt chẽ, lớp lớp vùng lên, chiến đấu anh dũng, lập nên biết bao chiến công vang dội.
Trong những ngày cả nước hướng về Quốc khánh 2-9, chúng tôi gặp cựu chiến binh Hà Văn Nhị (98 tuổi), ngụ khu phố Kinh 10B, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tham gia lực lượng vũ trang Kiên Giang từ rất sớm. Do tuổi cao, nhiều chuyện xưa ông Nhị đã quên, thế nhưng khi hỏi ngày tham gia lực lượng vũ trang, ông Nhị nói to rõ: “Ngày 10-10-1945”.
Ông Nhị tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến khi bị thương nặng vào năm 1971, xin thôi chiến đấu, ông hiện là thương binh ¼. Nhắc chuyện kháng chiến, ông Nhị nói: “Ngày ấy chúng tôi đứng vào hàng ngũ quân đội với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Chiến đấu có những lúc ác liệt, không nghĩ mình có thể trở về, cái sống và cái chết cận kề và sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc”.
Là người lính Cụ Hồ, trở về đời thường, ông Nhị tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa. Trò chuyện với ông, chúng tôi nhắc sắp đến ngày Quốc khánh, ông liền hỏi cán bộ Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp chuyện họp mặt cựu chiến binh, ông căn dặn có họp mặt phải cho ông hay để ông đến thăm anh em, đồng đội.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: