12/02/2024 17:47
VÀO QUÂN ĐỘI ĐỂ TRƯỞNG THÀNH HƠN
Anh Phạm Đông Hồ (bên trái), ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình.
Hai anh em Phạm Đông Hồ và Phạm Đông Huynh là con ông Phạm Văn Giang, bà Phan Thị Mãi, ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Hồ hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ năm 2022. Một năm sau, Huynh tiếp bước anh trai tình nguyện nhập ngũ.
Ông Giang cho biết: “Tôi thấy con đi bộ đội về trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều. Con sống nề nếp, biết tính toán làm ăn, phát triển kinh tế gia đình nên gia đình tôi rất yên tâm. Bởi vậy, khi em trai của Hồ là Huynh học xong lớp 12 xin đi bộ đội, vợ chồng tôi đều ủng hộ”.
Năm 2023, Phạm Đông Huynh 20 tuổi lên đường nhập ngũ, hiện anh thực hiện nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Xà Lực (TP. Phú Quốc). Ngày xuân, Huynh cũng giống như anh trai mình trước đây, ở lại đơn vị ăn tết và thực hiện nhiệm vụ. Gia đình thiếu một thành viên quây quần ngày tết, nhưng tất cả đều hiểu và động viên anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những năm gần đây, hàng năm Kiên Giang tuyển khoảng 1.300 thanh niên nhập ngũ, trong đó có từ 66% trở lên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trong 24 tháng tại ngũ, các thanh niên sẽ có một lần ăn tết tại đơn vị và thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, biển, đảo. |
Bà Phan Thị Mãi nói: “Ước nguyện của Huynh là phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Gia đình tôi rất ủng hộ con thực hiện ước mơ nên động viên Huynh cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người lính Cụ Hồ. Huynh chia sẻ trực tết ở đơn vị rất vui vì có đồng chí, đồng đội cùng nhau ăn tết, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ”.
Những ngày giáp tết, Hồ chăm sóc ruộng rẫy của gia đình được mùa bội thu. Hồ nói: “Hai năm phục vụ trong quân ngũ, tôi học được rất nhiều điều hay từ tính kỷ luật, nề nếp, được mở rộng hiểu biết, nên khi trở về gia đình tôi áp dụng vào cuộc sống, chí thú làm ăn. Tôi dặn dò em trai cố gắng học tập, rèn luyện xứng đáng là chiến sĩ gương mẫu”.
Nhờ trên dưới hòa thuận, gia đình chí thú làm ăn nên cuộc sống gia đình ông Phạm Văn Giang đầy đủ, sung túc. Tết về, vợ chồng động viên con trai tại ngũ thực hiện tốt nhiệm vụ. Ông Giang nói: “Tôi có 3 đứa con trai, hai đứa lớn đã đi bộ đội. Con trai út đang học lớp 8, gia đình cũng động viên con trai lớn lên tiếp nối hai anh thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự”.
LUÔN GIỮ GÌN PHẨM CHẤT
Cận Tết Nguyên đán năm 2024, chàng trai Trương Minh Tiến hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về gia đình ở ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Tiến là người con thứ hai trong gia đình có hai anh em cùng nhập ngũ. Trước đó, anh trai của Tiến là Trương Minh Tân nhập ngũ tại Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và hoàn thành nghĩa vụ vào năm 2012.
Những ngày giáp tết, gia đình Tân, Tiến dù bận rộn việc buôn bán tạp hóa, vật tư nông nghiệp, vẫn tranh thủ thời gian chỉnh trang nhà cửa đón tết. Bởi khoảng thời gian sau hai năm nhập ngũ, ăn tết xa nhà, nay Tiến mới về sum họp với gia đình. Tiến nói: “Dù rời xa môi trường quân ngũ, tôi luôn ghi nhớ giữ gìn phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, phấn đấu sống và làm việc theo gương Bác”.
Chính quyền địa phương đến thăm hỏi gia đình thanh niên Trương Minh Tân (thứ ba, từ phải qua), ngụ ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có hai anh em tình nguyện nhập ngũ.
Đồng chí Dương Văn Tiễn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh Lộc cho biết: “Hàng năm, xã Thạnh Lộc có gần 100% thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Có nhiều gia đình có hai con tình nguyện nhập ngũ, điển hình như hai anh em Tân và Tiến tình nguyện nhập ngũ, trong đó Tiến đã có bằng đại học vẫn hăng hái lên đường tòng quân. Tấm gương của hai anh em đã tạo sức lan tỏa sâu rộng cho thanh niên trong xã hăng hái lên đường nhập ngũ”.
Trò chuyện cùng cán bộ cơ sở khi đến thăm gia đình, bà Trần Thị Mỹ Dung - mẹ của Tân chia sẻ: “Con trai của Tân năm nay 8 tuổi, thấy cha, chú đều đi bộ đội nên cháu nói lớn lên con cũng đi bộ đội. Tôi nghe vậy mừng lắm, bởi vì bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước, nếu con cháu mình góp sức cho Quân đội thì đó là điều hãnh diện của gia đình”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất cần thiết, xứng đáng. Vì hệ giá trị văn hóa của dân tộc được xây đắp từ nhiều giá trị văn hóa của nhiều tầng lớp, nhiều lực lượng ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa được kết tinh, bồi tụ, trao truyền, lan tỏa trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tổng số lượt truy cập: