03/04/2023 16:49
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho biết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành luật, cơ bản nhất trí và góp ý với các nội dung của dự án luật.
Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, dự án Luật Phòng thủ dân sự có phạm vi điều chỉnh rộng, cần rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành và chỉ quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính khả thi. Khi xây dựng luật này cần theo hướng dẫn chiếu những quy định của các luật khác để tránh trùng lặp hoặc xung đột; đồng thời bổ sung các quy định còn thiếu trong các luật khác.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé (đứng) chủ trì cuộc họp.
Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Biên Nguyễn Việt Thắng góp ý khoản 4, Điều 2 dự án Luật Phòng thủ dân sự có nội dung “Đối tượng dễ bị tổn thương là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định pháp luật”, đề nghị làm rõ quy định đối tượng khác.
Đồng chí Nguyễn Việt Thắng thống nhất quan điểm phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; tuy nhiên cho rằng dự án luật chưa tập trung nhiều vào các quy định về công tác phòng thủ dân sự.
Đối với quỹ phòng thủ dân sự, một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự án luật về việc lập quỹ phòng thủ dân sự. Đại biểu thống nhất việc lập quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Đại biểu cho rằng hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.... Quỹ phòng thủ dân sự được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có thảm họa, sự cố xảy ra là rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế ảnh hưởng của thảm họa, sự cố.
Trong khi đó, một số ý kiến thống nhất phương án 2 của dự án luật là trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Lý giải cho việc đề nghị lựa chọn phương án 2, đại biểu cho rằng hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự án luật đã nêu, mặt khác quỹ phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ chi của quỹ phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Nếu lập quỹ này, hiệu quả sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng; việc khắc phục thiên tai vẫn phải là ngân sách nhà nước. Do đó, việc thành lập quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp.
Ngoài ra, một vài ý kiến đề nghị bổ sung quy định ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án lưỡng dụng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng để vừa bảo đảm nhiệm vụ phòng thủ dân sự, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; bổ sung chính sách ưu tiên tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sự cố; bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, trang thiết bị lưỡng dụng về phòng thủ dân sự...
Tin và ảnh: THU OANH
(KGO) - Sáng 12-12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) cho biết vừa bắt quả tang đối tượng Lê Hoài Phú 31 tuổi, ngụ phường Dương Đông, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tổng số lượt truy cập: