14/06/2021 18:40
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO KHẢ QUAN
Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19 đầu tháng 5-2021, đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia và các thị trường lớn như Philipinnes, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea… tăng mạnh.
Các thị trường xuất khẩu chính đã ký hợp đồng mua gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nước do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi như hạn hán, lũ lụt… khiến sản lượng lương thực sụt giảm… Hiện Việt Nam có nhiều lợi thế vì kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt, có nguồn cung gạo ổn định, chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầu nhiều thị trường.
Năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do EVFTA, EEC, UKFTA… Với mức thuế ưu đãi từ các hiệp định trên, gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại thị trường EU, Anh, các nước thuộc Liên minh Á - Âu… Đây là tín hiệu vui đối với ngành sản xuất lúa gạo tỉnh Kiên Giang khi nhiều địa phương đang khẩn trương xuống giống cho vụ hè thu và thu đông 2021.
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, hầu hết nông dân tỉnh Kiên Giang đều phấn khởi vì được mùa, trúng giá. Lợi nhuận bình quân trên 1ha khoảng từ 30-35 triệu đồng. Theo Sở Công thương, tính đến hết tháng 5-2021, Kiên Giang đã xuất khẩu 205.384 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 111 triệu đô la Mỹ. Vụ hè thu 2021, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu gieo sạ 280.000ha, ước sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Với những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu gạo trong nước, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị hạt gạo tỉnh nhà; trong đó có việc chuyển dịch cơ cấu giống, nâng tỷ lệ gieo sạ giống chất lượng cao, tập trung sản xuất vào các giống lúa thơm, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu, được thị trường nước ngoài ưa chuộng như ST24, ST25…”.
Hiện Kiên Giang đang triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa theo công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
XUỐNG GIỐNG THUẬN LỢI
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường lúa gạo, tình hình thời tiết cũng rất thuận lợi để nông dân xuống giống vụ hè thu 2021. Theo Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang, mùa mưa năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm, từ đầu tháng 5-2021 hầu hết các địa phương đều có mưa. Bên cạnh đó, tình hình mặn xâm nhập có xu thế giảm nhanh.
Nông dân ấp Sơn Nam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) gieo sạ lúa hè thu 2021.
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để nông dân tiến hành cày ải, xuống giống cho vụ hè thu 2021 theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Những cơn mưa đầu mùa đã giúp nông dân thau chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng, tiết kiệm được chi phí bơm tưới.
Ông Trần Văn Mạnh, ngụ khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “10ha lúa hè thu 2021 vừa được xuống giống hơn 1 tuần. Lúa đã bén rễ, xanh tốt. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho nông dân sản xuất, đầu vụ gieo sạ có mưa nên hạn chế được khô hạn, ruộng lúa phát triển tốt, hứa hẹn sẽ đem lại một mùa vụ khả quan”.
Theo nhiều nông dân huyện Hòn Đất, chi phí sản xuất vụ lúa hè thu thường tăng so với vụ đông xuân do nông dân tốn thêm chi phí bơm nước và sử dụng phân bón nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay từ đầu mùa khô 2020-2021 Kiên Giang có kế hoạch triển khai phòng, chống hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập, trong đó, các địa phương chủ động thực hiện nạo vét các kênh thủy lợi, duy tu, sửa chữa cống đập, hệ thống thủy lợi đảm bảo giúp nông dân chủ động nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, không lo thiếu nguồn nước cho vụ hè thu 2021.
Ông Trần Văn Duyên, ngụ ấp Sơn Nam, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ: “Những năm trước do ảnh hưởng của nắng hạn, cống chưa đầu tư hoàn chỉnh, vụ hè thu dễ bị thiếu nước. Năm nay, nhờ mưa sớm, tôi không tốn chi phí bơm tưới, lúa sạ lên đều, ít tốn công dặm lại”.
Tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh Kiên Giang đã xuống giống 208.408ha lúa hè thu, đạt 74,43% kế hoạch. Dự kiến đến ngày 20-6 các địa phương sẽ hoàn tất việc gieo sạ vụ hè thu 2021. Một số diện tích lúa hè thu tại khu vực vùng Tây sông Hậu đang trong giai đoan đòng, đòng trổ, lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Tuy nhiên, các địa phương và người dân không chủ quan trước diễn biến thời tiết, thời gian thu hoạch vụ hè thu 2021 thường trùng với thời điểm mưa nhiều, dễ xảy ra ngập úng, đổ ngã. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, lũ, kịp thời có phương án ứng phó hiệu quả.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng lũ tăng cường gia cố, tôn cao bờ bao, những đoạn đê bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ để đảm bảo an toàn sản xuất; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… quản lý dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo vụ hè thu 2021 đạt năng suất và sản lượng cao.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: