06/06/2024 10:26
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, đến tháng 4-2024, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 123.678 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh. Riêng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50% dư nợ toàn địa bàn với trên 64.100 tỷ đồng, trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt hơn 59.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt hơn 40.400 tỷ đồng.
Để hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang thực hiện hỗ trợ vốn cho hơn 50.000 hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng dư nợ hơn 1.796 tỷ đồng, bình quân dư nợ 36 triệu đồng/hộ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Thái Văn Phúc, còn nhiều hộ chưa được tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng, phải đi vay lãi suất cao từ bên ngoài dẫn đến sản xuất không có lợi nhuận. Nhiều hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chưa tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới, sáng tạo theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện có khoảng 79.000 hộ nông dân muốn tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành, nghề.
Nông dân xã Mong Thọ (Châu Thành) thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, hiện tỉnh có hơn 20 tổ chức tín dụng có sự đồng hành với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhằm góp phần thực hiện chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ban hành chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP với quy mô 2.000 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Lê Thanh My - Trưởng Phòng khách hàng cá nhân Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang thông tin, đối trọng cho vay là khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP như thực phẩm, sản phẩm đồ uống, sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Từ ngày 1-2-2024 đến hết ngày 31-12-2024 hoặc đến khi hết quy mô chương trình, lãi suất thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đối với sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa 12 tháng kể từ ngày giải ngân”,
Nhằm tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tháng 5-2024, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2029.
Ông Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang đề nghị các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch kinh doanh thông qua việc dành nguồn vốn cung ứng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân bằng các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Chúng tôi kỳ vọng hội nông dân các cấp trong tỉnh đồng hành cùng ngành ngân hàng để phổ biến các chính sách, sản phẩm cho vay dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến với người dân nông thôn. Đồng thời, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng tiếp thu, nghiên cứu và có sự hoàn thiện phục vụ khách hàng nông dân người dân địa bàn nông thôn tốt hơn trong thời gian tới”, ông Trần Văn Phước nói.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: