07/06/2022 07:24
Trong thời buổi kinh tế thị trường, người dân ưu tiên chọn sản xuất các giống lúa cao sản, ngắn ngày, năng suất cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo, thị hiếu của người tiêu dùng, ông Lê Quốc Việt lại chọn cách làm khác với mọi người, từ bỏ sản xuất lúa cao sản chuyển sang làm lúa mùa.
“Từng nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp, khi nhận thấy văn hóa lúa mùa ngày càng mai một, tôi ấp ủ ý tưởng đầu tư, xây dựng trang trại bảo tồn văn hóa lúa mùa để các thế hệ mai sau có thể biết được ông bà xưa đã sản xuất lúa gạo như thế nào. Với sự ủng hộ từ gia đình, tôi quyết tâm làm, năm 2017, tôi thành lập trang trại lúa mùa với quy mô 2,5ha. Sau đó, tôi đến Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long để chia các loại giống lúa mùa về gieo thử nghiệm”, ông Việt chia sẻ.
Tính đến nay, trang trại của ông Lê Quốc Việt đã thử nghiệm trồng trên 35 loại giống lúa mùa khác nhau. Trải qua từng năm, vừa làm vừa đánh giá chất lượng, ông Việt đã phục tráng được một số giống lúa mùa có chất lượng gạo tốt như móng chim vàng, móng chim rơi, Tàu Hương, Châu Hồng Vỏ…
Lúa được sản xuất theo cách truyền thống, mỗi năm chỉ gieo cấy một vụ vào thời điểm tháng 6 âm lịch, đến 10 ngày đầu tháng chạp sẽ thu hoạch. Một vụ lúa thường kéo dài khoảng 6 tháng mới thu hoạch, thời gian còn lại cho đất nghỉ, phục hồi sau quá trình canh tác. Ruộng lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tối đa việc dùng phân bón hóa học. “Ngày xưa ông bà ta canh tác lúa như thế nào thì bây giờ tôi làm như vậy, hoàn toàn không dùng bất cứ hóa chất nào. Việc cơ giới hóa cũng không sử dụng máy móc mà dùng sức kéo trâu bò, thu hoạch bằng tay. Sản phẩm gạo sạch, không hóa chất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Việt nói.
Du khách đến tham quan tìm hiểu quy trình sản xuất lúa mùa tại trang trại lúa mùa Tư Việt.
Với quy trình sản xuất gạo sạch đạt chất lượng, năm 2021, sản phẩm gạo lúa mùa Tư Việt được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm gạo lúa mùa Tư Việt đã được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhiều du khách tìm đến trang trại lúa mùa của ông Việt để được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thú vị về cách làm lúa mùa truyền thống. Ông Việt cho biết: “Từ khi thành lập trang trại lúa mùa đến nay, nhiều đoàn khách du lịch từ các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, TP. Hồ Chí Minh… đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa lúa mùa. Nhiều khách là sinh viên từ các trường đại học đến đây để học hỏi, làm đề tài nghiên cứu về văn hóa lúa mùa. Điều làm nên sự thích thú, thu hút du khách đến đây đó là du khách được hóa thân thành nông dân, tự mình cày ruộng, cấy lúa, gặt lúa, sàn gạo, giã gạo, nấu cơm từ những hạt gạo lúa mùa do mình làm ra”.
Thời gian tới, ông Việt tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với mô hình du lịch trải nghiệm. Song song với việc phục dựng, phát triển các giống lúa mùa cho chất lượng gạo ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Việt đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà trưng bày nông cụ, cơ sở hạ tầng, xây dựng trang web về quảng bá văn hóa lúa mùa để du khách có thể tìm hiểu, đến tham quan trải nghiệm.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: