16/01/2024 09:56
Dưa kiệu là món ăn đặc trưng, được nhiều gia đình ưa chuộng và chuẩn bị trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, nông dân xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn kiệu tươi.
Xã Mỹ Thuận có 3 ấp Sơn Thuận, Cản Đất và Số 4, có truyền thống trồng kiệu vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, toàn xã trồng kiệu với tổng diện tích 16ha, trong đó ấp Sơn Thuận có diện tích trồng nhiều nhất với hơn 10ha.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận Trần Hữu Ngọc cho biết: “Theo tập quán canh tác từ lâu, nông dân ở đây thường trồng màu xen canh và đến khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nông dân xuống giống trồng kiệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình của xã vào cuối năm. Hàng năm, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn sản xuất để hỗ trợ nông dân trồng kiệu”.
Nông dân ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất chăm sóc kiệu.
Gia đình anh Na có truyền thống trồng kiệu từ lâu đời. Anh Na trồng màu xen canh khoai lang, khoai môn quanh năm rồi chuyển sang trồng kiệu tết. Cứ vào khoảng cuối tháng 8 âm lịch, anh Na cải tạo đất để xuống giống trồng kiệu.
Năm nay, gia đình anh Na xuống giống 5 công kiệu tết. Trồng kiệu không cực công chăm sóc nhưng chi phí đầu tư khá nhiều. Riêng vụ này anh Na đầu tư 52 triệu đồng tiền giống. Tuy nhiên, vụ kiệu tết thường cho lợi nhuận khá, trừ chi phí có thể lãi hơn 10 triệu đồng/công.
Anh Na cho biết: “Trồng kiệu công chăm sóc không nặng, đỡ tốn phân bón và nước tưới nhưng phải nhổ cỏ để kiệu xanh tốt, dễ đẻ nhánh và cho nhiều củ. Kiệu trồng năng suất 5 tấn/công là đạt; kiệu có cổ cao, trắng không vân xanh để làm dưa thì bán có giá hơn. Chi phí đầu tư mô hình trồng kiệu khá cao nhưng nếu với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg trở lên thì người trồng sẽ có lợi nhuận”.
Cây kiệu có thời gian sinh trưởng từ 3,5-4 tháng và phải thu hoạch trước tết khoảng 20 ngày để người dân kịp làm dưa. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Sơn Thuận Ngô Văn Mảnh, cho biết năm nay thời tiết thuận lợi, kiệu phát triển tốt. Hiện nông dân trên địa bàn xã Mỹ Thuận chuẩn bị bước vào thời điểm thu hoạch kiệu.
"Những năm qua, giá kiệu thường xuyên biến động, không ổn định nhưng người dân trồng kiệu vẫn thu lãi khá. Để giúp người dân trồng kiệu đạt năng suất và chất lượng, chúng tôi động viên người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, giảm chi phí, bán được giá ”, ông Ngô Văn Mảnh nói.
Bài và ảnh: HUỲNH ANH
(KGO) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang phối hợp tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao...
Tổng số lượt truy cập: