16/04/2023 17:57
Khi trời tờ mờ sáng, nước trong vuông tôm được bơm cạn dần cũng là lúc bắt đầu thu hoạch. Những người tham gia bắt tôm vần công được phân công nhiệm vụ rõ ràng: 4 người đi trước dùng lưới kéo cho tôm thưa bớt, thuận tiện cho những người bắt tôm ở phía sau.
Ông Võ Văn Trinh, 48 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy cho biết, 6, 7 năm nay người dân địa phương chuyển sang nuôi tôm càng ghép với tôm thẻ và lúa cho hiệu quả kinh tế khá. “Trước kia ở đây chuyên nuôi tôm sú, sau đó chuyển sang nuôi tôm thẻ nhưng hiệu quả không cao. Sau này thấy nuôi ghép giữa tôm thẻ và tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế tốt hơn nên chuyển sang mô hình này đến nay”, ông Trinh nói.
Theo người dân nuôi tôm càng xanh, mỗi năm nuôi từ 2-3 vụ, thời gian nuôi đến thu hoạch khoảng 6 tháng; trong đó, thời gian vèo riêng tôm con khoảng 2,5 tháng, thả ra nuôi thương phẩm 3,5 tháng. Riêng tôm thẻ được thả khoảng 15 ngày trước khi cho tôm càng xanh ra khỏi ao vèo để ghép chung hai loại với nhau.
Cảnh thu hoạch tôm càng xanh thật nhộn nhịp ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tùy theo diện tích đất của chủ vuông lớn nhỏ mà số người vần công nhiều hay ít nhưng thường một vuông tôm có khoảng 40-50 người cùng vần công để đảm bảo bắt tôm nhanh chóng khi chúng còn sống, bán giá cao hơn.
Trước khi đến thời gian thu hoạch vài ngày, chủ vuông tôm sẽ thông báo cho những hộ nuôi tôm gần đó và bà con trong gia đình đến bắt tôm tiếp. Vào ngày thu hoạch, vuông tôm đông như hội. Nhiều gia đình gác lại việc nhà để sang giúp hàng xóm; đây cũng là cách vần công để khi mình thu hoạch tôm thì hàng xóm qua tiếp lại… “Theo thời gian, con tôm càng xanh không chỉ cho thấy giá trị kinh tế mà còn là cầu nối gắn kết tình làng nghĩa xóm”, ông Trinh chia sẻ.
Máy nổ được dùng khuấy nước lên sình, gây thiếu ô xy, khiến cho những con tôm càng phải nổi đầu, dạt vào hai bên mé vuông; lúc này người bắt tôm sẽ rất dễ dàng bắt chúng.
Một thợ vần công nhí tham gia bắt tôm càng xanh.
Công việc bắt tôm ngoài vuông được giao cho những người đàn ông.
Để đảm bảo tôm càng còn sống, những chiếc vỏ lãi được đem vào vuông tôm để vận chuyển nhanh chóng vào điểm tập kết.
Người dân chế đòn bẩy nâng các giỏ tôm từ vỏ lên bờ một cách nhẹ nhàng.
Tôm càng xanh sau khi tập kết vào bờ nhanh chóng được đổ ra vệ sinh, phân loại.
Công việc phân loại tương đối nhẹ hơn nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng nên được ưu tiên cho phụ nữ. Những con tôm lớn, đạt kích cỡ được cân bán cho thương lái, còn những con tôm nhỏ (tôm lóng) được chủ vuông rọng ô xy để thả nuôi lại.
Niềm vui của người dân trúng tôm càng xanh. Với mô hình nuôi ghép tôm thẻ với tôm càng xanh, người nuôi thường đạt lợi nhuận là hưởng trọn sản lượng tôm càng xanh do giá trị từ sản lượng tôm thẻ sau thu hoạch đã đủ chi phí đầu vào của mô hình này.
Hiện với loại tôm từ 14 đến 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 130 ngàn đồng. Tôm 13 con/kg trở về trước được mua với giá 160 ngàn đồng. Trung bình với 20 công đất thả nuôi tôm càng xanh sản lượng tôm đạt khoảng 1,4 tấn thương phẩm, 200kg tôm lóng.
TRUNG HIẾU - THỦY TIÊN thực hiện
(KGO) - Tại hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ mô hình, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sáng 14-10 do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tổ chức, nhiều chủ thể OCOP đề xuất được các ngân hàng hỗ trợ vay vốn từ 50 triệu đến 10 tỷ đồng để đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng, thiết bị phục vụ, mở rộng vùng nguyên liệu.
Tổng số lượt truy cập: