02/06/2023 09:49
Với địa hình cù lao, xã Vĩnh Phước A không có nguồn nước ngọt ổn định phục vụ canh tác lúa hiệu quả. Thế nhưng, người dân đã biến bất lợi này thành lợi thế để phát triển kinh tế khi tận dụng hầu hết diện tích đất nông nghiệp để lên liếp trồng khóm. Nhờ phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nên khóm Vĩnh Phước A rất thơm, ngon, ngọt được thị trường ưa chuộng.
Tuy nhiên, khóm thương phẩm có chất lượng cao nhưng do nông dân sản xuất riêng lẻ nên có lúc đầu ra không ổn định. Trước thực trạng này, năm 2017, cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Phước A tuyên truyền, vận động người dân tham gia và thành lập Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An nhằm khắc phục khó khăn cho người trồng khóm.
Ông Ngô Văn Trung - thành viên Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An cho biết: “Trước khi chưa vào hợp tác xã tôi bán khóm riêng lẻ nên đôi lúc bị ép giá. Từ khi vào hợp tác xã thì bán khóm tập thể giá ổn định. Hợp tác xã được ngành chức năng tập huấn khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất giúp việc trồng trọt phát triển hơn”.
Thành viên Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An lựa con khóm giống.
Bình quân 1ha khóm tại Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An đạt năng suất 15 tấn/năm. Khóm thương phẩm trong hợp tác xã đều có doanh nghiệp đến tận nơi để thu mua với số lượng lớn và bán được giá. Không chỉ có thu nhập cao từ khóm trái, người dân còn tận dụng khóm nách, khóm con để phát triển mô hình ươm khóm giống. Cứ 10 ngày một lần, hợp tác xã đến từng nhà để thu gom khóm giống về bán cho thương lái ở các tỉnh khác.
Ông Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An cho biết: “Với giá bán 500 đồng/con khóm giống, bình quân 1 công con khóm giống cho lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/năm. Lợi nhuận cao, ít công chăm sóc nên nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư tầm 20 công đất để ươm khóm giống”.
Ngoài cây khóm chủ lực, Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An tận dụng diện tích mặt nước, đất trống quanh liếp để trồng lúa, nuôi tôm. Giống lúa được người dân sử dụng chủ yếu là giống lúa mùa một bụi đỏ và các giống ST. Người dân thả nuôi tôm thẻ, tôm sú xen canh.
Lúa, tôm được người dân sản xuất theo hướng tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe nên các nông sản của hợp tác xã đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Hơn 6 năm hình thành và phát triển, đến nay Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An tập hợp được trên 60 thành viên, thu nhập 70-700 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ trong hợp tác xã có việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hận - thành viên Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An nói: “Hồi trước đời sống gia đình tôi khó khăn, từ khi vào hợp tác xã, tôi vừa trồng khóm vừa đi làm thêm cho các thành viên trong hợp tác xã, thu nhập từ 100.000-200.000 đồng/ngày giúp trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện nay đời sống gia đình tôi ổn định hơn”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước A Hồ Chí Rôn cho biết trải qua nhiều năm hoạt động, mô hình đa canh tổng hợp khóm, tôm, lúa bệ của Hợp tác xã sản xuất khóm, tôm, lúa bệ Phước An đạt được 3 hiệu quả nổi bật, mang lại giá trị kinh tế, tính bền vững cao và thân thiện với môi trường. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành trong xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân vào hợp tác xã; đồng thời, hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp đúng quy hoạch, quy trình sản xuất.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân mà còn góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, đợt triều cường tháng 12-2024 sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 18-12, nguy cơ gây ngập úng và mặn xâm nhập vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiến hành vận các cống chống ngập úng và kiểm soát mặn.
Tổng số lượt truy cập: