12/11/2022 08:57
Hòn Đất là huyện đồng bằng ven biển nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, với diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Kiên Giang.
Trước khi có chủ trương khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, trong trí nhớ của nhiều lão nông, Hòn Đất là vùng đất rộng lớn, phần lớn đất đai đều bị nhiễm phèn nặng, lại bị ngập nước hơn 2 tháng trong năm. Phần đất phía ven biển bị nhiễm mặn, chưa được người dân khai phá. Sự khắc nghiệt của tự nhiên gây trở ngại không nhỏ cho người dân Hòn Đất trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chia sẻ của ông Lê Tấn Đức, ngụ xã Nam Thái Sơn, trước đây, nông dân chỉ có thể làm một vụ lúa/năm, năng suất rất thấp. Vùng trũng phèn nặng, không thể trồng lúa, người dân được khuyến khích trồng tràm, bạch đàn, khóm… mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Những vùng ven biển vẫn chưa được người dân khai phá, đất đai còn hoang hóa.
Năm 1989, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương khai thác vùng tứ giác Long Xuyên, hàng loạt công trình thủy lợi lớn nhỏ được Trung ương, tỉnh đầu tư, đặc biệt là công trình thoát lũ ra biển Tây, đê biển, hệ thống cống ngăn mặn, hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước tưới tiêu… góp phần đưa vùng tứ giác Long Xuyên từ vùng đất hoang hóa, trũng phèn trở thành vùng sản xuất lúa nông nghiệp trù phú.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Lê Văn Giàu cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, tỉnh, huyện xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thoát lũ, ngăn mặn, dẫn ngọt, xả phèn phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Nông dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu 2022.
Hòn Đất có chủ trương chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả và khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện thâm canh, tăng vụ từ 1 vụ lúa lên 2-3 vụ lúa/năm. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện khai thác thế mạnh kinh tế ven biển, phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao.
Hệ thống thủy lợi đồng bộ tạo điều kiện để huyện Hòn Đất bứt phá đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững thời gian qua. Tổng sản lượng lương thực của huyện những năm qua đều vượt mức 1 triệu tấn gạo/năm, đóng góp 1/4 sản lượng lương thực cho tỉnh, giúp Hòn Đất trở thành địa phương sản xuất lúa gạo chủ lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Nam Thái Sơn cho biết: “Nhờ các công trình thủy lợi kiên cố, các vùng trồng lúa được huyện đầu tư đê bao khép kín, chủ động tiêu thoát nước nên việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, thâm canh, tăng vụ rất thuận lợi, nông dân rất phấn khởi. Gia đình tôi từ làm 1 vụ lúa mùa chuyển sang làm 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/năm, nhờ vậy tôi có điều kiện xây nhà mới khang trang hơn”.
Sau hơn 30 năm khai hoang, phục hóa, Hòn Đất mang sức sống mới. Từ vùng đất nghèo khó, Hòn Đất vươn mình phát triển với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Đến nay, Hòn Đất có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến được trung tâm huyện. H
Ông Nguyễn Văn Liệt, ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Kết quả của những năm khai hoang mở đất, người dân vùng tứ giác Long Xuyên có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhà nước luôn chăm lo đời sống nhân dân, kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn đổi mới. Những căn nhà lá tạm bợ được thay thế bằng căn nhà tường, mái ngói. Người dân không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn được tiếp cận các dịch vụ vui chơi, giải trí”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Ngày 27-11, nhiều lượt câu hỏi của nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) liên quan đến canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng và trị bệnh trên gia súc, gia cầm, cây ăn trái… đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp cụ thể tại chương trình “Bác sĩ nông học”.
Tổng số lượt truy cập: